Chỉ mới trước đây 6 tháng, trong phán quyết sơ bộ của DOC, các DN bị đơn đều có mức thuế chống bán phá giá là 0% thì nay mức thuế này tăng lên từ 25% đến 45%, Quyết định vừa được DOC đưa ra là một đòn choáng váng cho các DN xuất khẩu mặt hàng này của nước ta.
Việc xuất khẩu cá tra vào Mỹ có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê, trong năm 2012 Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam (sau EU) với kim ngạch hơn 358 triệu USD, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của nước ta. Việc Mỹ tăng thuế chống bán phá giá quá cao không chỉ ảnh hưởng đến các DN xuất khẩu cá tra vào Mỹ mà sẽ gây tác động tiêu cực với các thị trường khác cũng như ngành nuôi cá tra trong nước. Đó là hậu quả về phía các DN, nhưng hiểu rộng hơn thì sự thiệt thòi cuối cùng lại vẫn đè nặng trên đôi vai những nông dân nuôi cá tra.
Ở đây có 3 vấn đề đáng lưu ý.
Một là, do chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nên trong quá trình điều tra chống bán phá giá cá tra Việt Nam, Mỹ thường chọn nước thứ ba thay thế để làm cơ sở so sánh yếu tố chi phí đầu vào. Trong hơn 10 năm qua, DOC vẫn chọn Bangladesh (quốc gia có nền kinh tế tương đương Việt Nam) làm quốc gia thay thế nên các DN có mức thuế chống bán phá giá rất thấp. Nhưng lần này họ lại chọn Indonesia làm quốc gia thay thế trong khi Indonesia còn phải nhập hàng cá tra từ Việt Nam, họ không có ngành xuất khẩu cá tra, thậm chí hầu như không phát triển nghề nuôi loài cá này! Như vậy, động thái của DOC thật không phải vì quyền lợi người tiêu dùng Mỹ mà thật ra là bảo vệ những DN nuôi cá da trơn tại Mỹ. Những DN này của Mỹ không tìm cách hạ giá thành nhưng lại đòi phía DN nhập khẩu vào Mỹ phải nâng giá bán lên để bị cạnh tranh khốc liệt và bất lợi, nhận một đòn sinh tử tại thị trường Mỹ!
Hai là, dù trong 10 năm qua đã có 7 lần con cá tra Việt Nam bị "đánh” bởi DOC nhưng đúng là ngành chức năng và các DN chế biến cá tra xuất khẩu vẫn chưa rút ra được những "đòn phép” để hóa giải nhằm có những bước đi và biện pháp thích ứng kiểu "nhập gia tùy tục”, lúc nào cũng ở thế bị động làm bị đơn cho người ta. Làm cách nào để minh chứng rằng đó chẳng qua là bảo hộ mậu dịch, trái quy định của WTO, là việc mà lẽ ra ngành chức năng phải nhận ra trong việc đưa cá tra vào Mỹ. Có phải là đã thiếu sự phối hợp giữa ngành xuất khẩu cá tra với các phòng tùy viên thương mại Việt Nam trên đất Mỹ? Khoảng cách giữa hai bộ phận này cho thấy việc xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ còn bị coi là việc buôn bán của riêng DN, chưa được nâng lên thành một trong những chiến lược trong tổng thể xuất khẩu của cả nước. Với DOC, không chỉ là thụ động chờ đấu tranh khi họ ra phán quyết bất lợi cho mình, mà phải là am tường luật lệ, tranh thủ người tiêu dùng cá tra tại Mỹ đối với mặt hàng này của Việt Nam. Hàng hóa của chúng ta không bị kiểm định là có vấn đề về chất lượng mà lại bán rẻ hơn, không hề có sự trợ giá của nhà nước (để bán phá giá) thì đáng ra phải nhận được cảm tình từ phía người tiêu dùng Mỹ, thực chất là cái lợi cho người tiêu dùng tại thị trường Mỹ.
Ba là, tình hình trước mắt (còn chờ việc giải quyết đơn kiện cuối cùng của Việt Nam) - "Với mức thuế chống bán phá giá mới này, các DN không thể xuất khẩu được vào thị trường Mỹ”, như nhận định của Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thì chuyện phải làm cấp bách, đồng bộ hiện nay. Ngành chức năng của nhà nước cần có những giải thích hợp lý sao cho người nuôi cá tra hiểu để họ đừng vì hoảng hốt mà đem bán tống bán tháo cá, tự gây hại khi việc xuất khẩu tiếp tục trở lại. Đồng thời, cần có sự kết hợp giữa ngành chức năng bắt tay với các DN tìm sang các thị trường khác như Trung Đông, EU, Nam Mỹ… không có những lực cản phi lý như thị trường Mỹ (bảo vệ người nuôi cá da trơn ở Mỹ thay vì bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng).
Cũng không thể quên, mặt hàng cá tra đang có một thị trường trong nước rộng lớn có thể chia sẻ khó khăn nhất thời của DN, các DN xuất khẩu cá tra đừng quên mình cũng cần chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để được người trong nước chấp nhận tiêu dùng mặt hàng cá tra này. Ra biển lớn không thể không gặp sóng lớn, vấn đề là sự đồng lòng, sự sáng suốt của "thủy thủ đoàn” mà thôi.