Mờ sáng là cua về
2 giờ sáng, phía bên kia, nơi có một con hẻm nhỏ nhưng lúc nào cũng sáng đèn chính là đường dẫn nối vào ga Sài Gòn để những chuyến tàu xuôi Bắc, ngược Nam đi về. Họ chính là những lao động thời vụ cho các chủ thu mua cua ở đây. Lúc này, ở chợ chỉ lác đác có vài người đang ngồi. Theo chị Nguyễn Thị Bằng ở đường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) thì phải hơn 1 tiếng nữa cua mới về. Đó là những xe tải lớn chở hàng tấn cua từ dưới vùng Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp lên đây. Sau đó, cua được các chủ vựa mua lại, thuê công nhân lọc ra những loại 1, 2 và 3 tùy theo chất lượng, rồi dùng xe máy đưa về các chợ trên địa bàn thành phố. Như chị Bằng, mỗi ngày phân loại cua trong khoảng 3 tiếng như vậy, tiền công chị nhận được là 90 ngàn đồng. Tuy chỉ làm có mấy tiếng nhưng công việc phân loại cua lại khá vất cả, có thể bị những chiếc càng cua sắc nhọn như kéo cắt vào tay bất cứ lúc nào, dù có đeo găng đi nữa.
Không chỉ có chị Bằng, chợ cua còn là nơi mưu sinh của những đứa trẻ nghèo, tranh thủ một chút thời gian buổi sáng sớm làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống mưu sinh. Đó là trường hợp của 3 chị em Thảo ở quận 10. Do cha mất sớm trong một tai nạn giao thông nên dù khá cố gắng, mẹ Thảo cũng không thể lo đủ cho ba chị em Thảo đi học như bạn bè được. Từ sáng sớm, cô sinh viên năm 1 cùng với em trai lại dành 2 tiếng đồng hồ để đi "cào cua” cho các chủ vựa ở đây. Mỗi ngày như thế, chị em Thảo cũng kiếm được 150 ngàn đồng, đủ tiền giúp mẹ trang trải thêm cuộc sống.
Cua ở đây đều có nguồn gốc từ miền Tây. Hiện nay, nếu cua đồng sống tự nhiên được người dân bắt ở các kênh rạch, sông hồ lên có giá bán 45 ngàn đồng/kg. Riêng cua nuôi thương phẩm giá chỉ khoảng 30 ngàn/kg. Chị Trần Thị Vân, một tiểu thương có thâm niên buôn bán nhiều năm ở chợ cho biết, cua ở đây có nhiều loại và giá cũng khác nhau. Nếu là các nhà hàng họ thường nhập loại cua đồng ngon để phục vụ các thực khách. Còn cua bình thường đưa về các chợ, bán cho người dân tiêu thụ trong cuộc sống hàng ngày. "Tôi gắn bó với nghề mua cua này đã hơn chục năm, tuy có vất vả vì phải thức đêm nhưng đến nay cũng quen, mưa hay gió bão thì cũng vẫn đi chợ như bình thường”, chị Vân nói.
Đặc sản đất Sài Gòn
Mặc dù cua chỉ có ở miệt đồng bằng nhưng lại có thể coi chợ cua này là đặc sản của đất Sài Gòn, bởi nơi đây cua được tập trung với số lượng lớn lên đến hàng chục tấn mỗi ngày. Mà hơn nữa, nó lại nằm ngay giữa trung tâm của thành phố chứ không phải ở vùng ngoại thành xa xôi như nhiều khu chợ đầu mối nông sản khác. Thế nhưng, lại có khá nhiều người biết đến khu chợ cua này, dù nó chỉ hoạt động trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ.
Ngoài những lao động nghèo, chợ cua còn là nơi để những cư dân quanh vùng tìm đến mua bán coi như một món quà nho nhỏ buổi đầu ngày, thay vì phải mua lại cua của những thương lái ở chợ. Đó là những người đi tập thể dục buổi sớm, tranh thủ mua một vài ký cua về nấu canh trong những ngày nắng nóng. Với họ, chợ cua chính là nơi khởi đầu của một ngày mới cho những cư dân quanh vùng, khi những khu phố khác vẫn im lìm trong giấc ngủ. Mặc dù chỉ là khu chợ họp theo kiểu tự phát ban đầu nhưng sau mấy chục năm nay, chợ cua đã trở thành thân quen với nhiều người.
Mới đây, chính quyền thành phố đã có quy hoạch khu chợ hàng thủy sản về dưới Bình Điền (huyện Bình Chánh) với đầy đủ các loại mặt hàng như cá, tôm, cua, mực…để người dân buôn bán được thuận lợi. Thế nhưng, các loại hàng thủy sản khác đều được tập kết về đó, còn người dân ở chợ cua lại chỉ quen mua bán ở khu vực Hòa Hưng này. Bao năm qua chợ cua này vẫn cứ đều đặn duy trì như một trường hợp đặc biệt về một trong những khu chợ độc đáo mà cũng khá kỳ lạ.