Theo thông cáo báo chí của Đại học Glasgow (Scotland), việc tìm được Leedsichthys, loài cá xương khổng lồ và chuyên ăn sinh vật phù du, đã cung cấp một mảnh ghép quan trọng trong quá trình tiến hóa của loài cá, động vật có vú và các hệ sinh thái biển.
Trong thời điểm khủng long trên cạn phát triển theo hướng trở thành những động vật có kích thước khổng lồ, các sinh vật nơi biển cả cũng bắt đầu gia tăng khối lượng cơ thể vào thời Kỷ Jura.
“Quá trình này được biết đến với thuật ngữ khổng lồ hóa”, theo trang tin Huffington Post dẫn lời Jeff Liston của Viện bảo tàng Quốc gia Scotland.
“Vào thời điểm đó con người biết được chuyện gì xảy ra trên cạn, nhưng không cách nào xác định được liệu có chu trình song song diễn ra ở các đại dương. Và bây giờ chúng ta biết rằng có chuyện đó”, theo chuyên gia Liston.
“Loài cá khổng lồ ăn sinh vật phù du thuộc vào nhóm các động vật có xương sống lớn nhất từng xuất hiện trên địa cầu. Và Leedsichthys là động vật đầu tiên đảm nhận vai trò này”, ông Liston diễn giải.
Dựa trên hóa thạch, Leedsichthys được xác định có chiều dài đến 15 m khi trưởng thành.