Điểm khảo nghiệm các giống lúa chịu mặn trên nền ao nuôi tôm xã Hòa Tú 2 là mô hình trình diễn thiết thực để bà con nuôi tôm đánh giá, rút kinh nghiệm và chọn cho mình giống lúa thích nghi ở địa bàn nuôi tôm bán thâm canh ở Mỹ Xuyên mà ngành nông nghiệp đang hướng đến.
Ở vùng nhiễm mặn theo mùa, vùng nuôi tôm nội đồng, điều kiện phát huy mô hình luân canh tôm – lúa rất hiệu quả, do vậy mà công tác nghiên cứu, khảo nghiệm giống lúa chịu mặn cao để đáp ứng nhu cầu giống canh tác ở vùng luân canh này và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Thạc sĩ Nguyễn Thành Phước - Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng cho biết: “Mục tiêu của mô hình khảo nghiệm là giới thiệu, thí nghiệm để đánh giá khả năng chịu mặn của các loại giống, từ đó đa dạng giống lúa để nông dân chọn lựa. Mặt khác giống chịu mặn đang có nhu cầu rất lớn để phục vụ cho vùng tôm – lúa Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu. Ngoài mục tiêu cung cấp giống thích hợp thì đây là xu hướng đáp ứng giống thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao”. Ông Trần Quốc Quang - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Đưa giống chịu mặn vào vùng có độ mặn cao ở Mỹ Xuyên, mà cụ thể là Hòa Tú 2, Ngọc Tố là rất phù hợp để bà con có thể phát huy mô hình tôm – lúa. Chúng tôi rất cần giống chịu mặn vì đặc thù của các địa bàn ven sông Mỹ Thanh, ven sông Cổ Cò mặn cao bà con canh tác lúa rất khó. Khi có giống lúa mới như vậy thì điều kiện phát triển tôm – lúa bền vững sẽ tốt hơn”.
Ruộng lúa khảo nghiệm đang phát triển rất tốt trong môi trường nước từ 2‰ đến 2,8‰ ngay từ đầu vụ, cho thấy tính hiệu quả cao của các giống lúa này sẽ đáp ứng được yêu cầu của nông dân ứng dụng quy trình luân canh tôm – lúa ở Mỹ Xuyên và vùng nuôi tôm nội đồng của thị xã Vĩnh Châu.
Biện pháp khảo nghiệm ngay trong vùng nuôi tôm bán thâm canh như Hòa Tú 2 có ý nghĩa rất lớn để nông dân có điều kiện theo dõi, đánh giá khả năng thích nghi, năng suất lúa và chọn cho mình giống lúa thích hợp để canh tác. Ông Trần Trưởng Thành ở ấp Hòa Phú, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Tôi thấy các giống lúa ở đây từ khi xuống giống tới nay độ mặn ít nhất là 2‰, thời điểm nắng kéo dài lên gần 3‰ nhưng lúa vẫn phát triển tốt. Bà con ở đây cũng tới lui theo dõi để rút kinh nghiệm, vì mấy năm trước ở đây có nhiều ao sạ lúa xuống bị chết do độ mặn cao”.
Sản xuất sẽ ngày càng khó khăn hơn trước những biểu hiện tiêu cực của biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập sâu hơn vào nội đồng thì việc phát triển giống lúa chịu mặn sẽ là giải pháp mang tính căn cơ để thích ứng với biến đổi khí hậu, trước mắt là hỗ trợ cho quy trình canh tác tôm – lúa bền vững ở Sóc Trăng.