Ông Đỗ Thanh Dân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện U Minh, cho biết, sau khi đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị giá tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn huyện được ban hành, ngành nông nghiệp huyện U Minh tham mưu cho UBND huyện, phối hợp với các ngành chức năng của huyện và chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện đề án.
Mục tiêu chung của huyện U Minh trong thực hiện đề án này là tập trung chỉ đạo thực hiện việc khôi phục và phát triển nguồn lợi cá đồng trên toàn huyện, đặc biệt chú trọng phát triển các loài cá đồng đặc trưng rừng U Minh như: cá lóc, cá trê vàng, cá sặt rằn, cá dầy, cá thác lác... ở các xã khu vực quy hoạch ngọt hoá của huyện và lâm phần rừng tràm.
Đồng thời nhân rộng mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh cá đồng ở các xã: Khánh Hội, Khánh Lâm, Nguyễn Phích, Khánh An, Khánh Thuận, nhất là mô hình nuôi thâm canh cá sặt rằn, cá lóc đồng… phát triển mô hình lúa - cá, rừng - cá, từng bước phát triển mô hình nuôi công nghiệp đặc sản cá bổi U Minh, theo đó kế hoạch của huyện U Minh đến năm 2020 có khoảng 7.400 ha nuôi cá đồng, phấn đấu diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh đạt 100 ha, năng suất bình quân đạt 0,5 tấn/ha.
Những năm qua, trên địa bàn huyện U Minh có nhiều hộ nuôi cá đồng, kết hợp với trồng tràm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, nhiều hộ vươn lên khá, giàu. Gia đình ông Trần Thanh Hồng, Ấp 14, xã Nguyễn Phích, có 4.000 m2 mặt nước thả cá lóc, mỗi năm thu hoạch từ 50-60 triệu đồng. Cá nhỏ thì nhân giống thả nuôi lại năm sau, nhờ đó mà gia đình ông có cuộc sống ổn định.
Ông Đỗ Thanh Dân cho biết thêm, để duy trì và thực hiện đề án phát triển nguồn lợi cá đồng có hiệu quả, hiện nay, huyện U Minh tập trung quy hoạch lại sản xuất. Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan kết nối các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, ổn định giá cả. Tranh thủ các chương trình hỗ trợ vốn của tỉnh để xây dựng mô hình nuôi thâm canh cá sặt rằn ở các xã Khánh An, Khánh Hội trong năm 2017 để làm cơ sở nhân rộng mô hình trong vùng quy hoạch ngọt hoá của huyện trong những năm tiếp theo.
Huyện cũng phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ chuyển giao công nghệ, quy trình cải thiện chất lượng giống bố mẹ. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, thực hiện chính sách ưu đãi trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến khô bổi tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, nhất là ngăn chặn tình trạng khai thác và buôn bán cá non, khai thác với hình thức huỷ diệt, làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên.