1. Giới thiệu chung
Chất lượng của tu hài Vân Đồn gắn liền với điều kiện địa lý đặc biệt của ngư trường nuôi. Khu vực nuôi tu hài nằm trong khu vịnh kín gió, giàu sinh vật phù du, nước lưu thông, chất đáy là cát sỏi và các mảnh nhuyễn thể san hô. Độ mặn nước biển từ 28 đến 33 ‰ và độ pH 7,5 đến 8,5, độ trong của nước từ 1,5 đến 2 m..
Nghề nuôi trồng tu hài tại Vân Đồn được tiến hàng thủ nghiệm từ năm 2003. Đến nay, toàn huyện có khoảng hơn 700 hộ và 20 doanh nghiệp tham gia nuôi trồng với diện tích 1.732 ha, chiếm 55,37% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện. Sản lượng năm 2011 đạt khoảng 2.000 tấn (22% tổng sản lượng nhuyễn thể). Những xã phát triển nuôi tu hài gồm: Bản Sen (209 ha, 233 tấn/năm), Minh Châu (150 ha, 105 tấn/năm), Vạn Yên (130 ha, 185 tấn/năm). Quy mô nuôi khá đa dạng phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của hộ: 1.000 - 500.000 lồng/hộ, trung bình 5.000 lồng/hộ.
Nghề nuôi trồng tu hài đã thu hút một lượng lớn lao động của huyện với 1821 lao động tham gia (chiếm 38% lao động trong lĩnh vực thủy sản), đã giúp xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ của huyện đảo Vân Đồn. 50 hộ có thu nhập từ 24.000 – 48.000USD/năm/hộ; 120 hộ có thu nhập từ 4.800 – 7.200USD/năm/hộ; số hộ còn lại dưới 4.800USD/hộ/năm. (Theo thống kê của phòng kinh tế Vân Đồn) (Thu nhập bình quân của Việt Nam là 3.044USD/hộ/năm).
Tu hài Vân Đồn được tiêu thụ tại các thị trường cao cấp của Việt Nam (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn) và xuất khẩu cho Trung Quốc.
2. Sự phát triển không bền vững của nghề nuôi tu hài Vân Đồn
Về sản xuất
Nghề nuôi tu hài tại Vân Đồn mang lại lợi nhuận cao dẫn đến việc thay đổi sản xuất:
- Mở rộng diện tích nuôi trồng ồ ạt (200 ha năm 2003 lên 1.732 ha năm 2012) gần những khu dân cư hoặc những khu công nghiệp chịu ảnh hưởng của nguồn nước thải, hoặc những nơi có mực nước biển quá sâu. Điều này đã làm suy giảm năng xuất và chất lượng của tu hài Vân Đồn.
- Tăng mật độ nuôi, thả từ 1,2 - 2 lần:
Từ 30 - 50 con/lồng lên 80-100 con/lồng (trường hợp nuôi lồng)
Từ 100 con/m2 lên 120-150 con/m2 (trường hợp nuôi đáy)
Mở rộng diện tích và tăng mật độ nuôi làm thiếu nguồn giống tại chỗ một cách trầm trọng (chỉ đáp ứng được 19% tương đương với 30 triệu con). Người nuôi phải nhập giống từ nhiều nơi khác (Trung Quốc, Hải Phòng, Nha Trang, Bình Thuận) nhưng không kiểm soát được dịch bệnh và chất lượng con giống. Điều này đã dẫn đến dịch bệnh bùng phát và gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi. Năm 2012, có 650/700 hộ nuôi tu hài bị tổn thất với hơn 200 triệu con (giống, thương phẩm). Chỉ tính riêng thiệt hại về con giống đã lên tới gần 10 triệu USD.
- Để tăng lợi nhuận, nhiều hộ đã rút ngắn thời gian nuôi từ 18 tháng xuống 12 hoặc 15 tháng kéo theo kích cỡ tu hài thương phẩm giảm (25-30con/kg thay vì 12-15 con/kg). Điều này đã làm giảm chất lượng, giá bán và uy tín của tu hài Vân Đồn trên thị trường.
- Mặt khác, nhiều hộ nghèo chưa nắm bắt được đầy đủ kỹ thuật nuôi (nước biển sâu, môi trường ô nhiễm, hải lưu mạnh,…) nên năng suất và chất lượng thấp.
- Đầu tư nuôi tu hài nhiều vốn (lồng, bè, cột trống…), đặc biệt mua giống từ nơi khác có giá thành cao hơn sản xuất tại chỗ đã làm hạn chế sự tham gia của các hộ nghèo.
Về thị trường
- Tu hài của huyện Vân Đồn có chất lượng tốt và danh tiếng đối với người tiêu dùng nhưng sản phẩm chưa có các dấu hiệu nhận dạng trên thị trường (bao bì, tem, nhãn mác...). Người tiêu dùng không phân biệt được tu hài của Vân Đồn với các sản phẩm cùng loại khác (Hải Phòng, Khánh Hòa, Trung Quốc).
- Nhiều sản phẩm tu hài của nơi khác đã lợi dụng mượn danh tiếng của tu hài Vân Đồn để bán trên các thị trường đã gây mất uy tín cho tu hài Vân Đồn.
- Tu hài Vân Đồn được phân phối trên thị trường thông qua các tác nhân thương mại. Người nuôi bán sản phẩm một cách cá thể nên bị các tác nhân thương mại ép giá, gian lận khối lượng làm giảm lợi nhuận của người nuôi.
- Sản phẩm có chất lượng nhưng tu hài Vân Đồn chưa được giới thiệu và quảng bá rộng rãi cho người tiêu dùng. Trong khi đó, người tiêu dùng tại các thành phố lớn của Việt Nam đòi hỏi ngày càng cao: sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ, có chứng nhận chất lượng và đáp ứng các yêu cầu VSATTP.
Yêu cầu của người tiêu dùng Việt Nam tại các thành phố lớn về hải sản
Mức độ ưu tiên khi mua |
Yêu cầu về hàng thủy sản |
Tỷ lệ (%) |
1 |
Độ tươi |
90 |
2 |
Độ ngon |
80 |
3 |
Giá |
70 |
4 |
VSATTP |
58 |
5 |
Không có chất bảo quản |
Chủ yếu là người tiêu dùng Hà Nội |
Nguồn :Nghiên cứu tiêu dùng của CASRAD (2010) tại 4 thành phố lớn của Việt Nam
3. Cách tiếp cận để phát triển bền vững sản xuất tu hài Vân Đồn
Từ việc nghiên cứu phát hiện các tồn tại nói trên đối với nghề nuôi trồng tu hài Vân Đồn đã nêu ở trên, CASRAD đang triển khai các tác động trên 3 phương diện:
Về sản xuất:
- Quy hoạch lại vùng sản xuất, hạn chế việc mở rộng diện tích ngoài vùng có đủ điều kiện nuôi;
- Sản xuất giống tại chỗ nhằm cung cấp nguồn giống có chất lượng, sạch bệnh;
- Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm, tập huấn cho người dân
Về thị trường:
- Xây dựng các dấu hiệu nhận biết và đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm: Nhãn hiệu chứng nhận tu hài “Vân Đồn” (logo, nhãn mác), các thông tin về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại các thị trường tiềm năng:
+ Thiết kế và sản xuất các công cụ quảng cáo sản phẩm: Website, đăng báo, phóng sự truyền hình, video clip, tờ rơi, poster, biển hiệu...
+ Tổ chức các hội nghị giới thiệu sản phẩm tại các thành phố lớn: Hội nghị thử nếm sản phẩm tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch đông khách, hội chợ, triển lãm hàng nông sản...
- Nghiên cứu và thử nghiệm phân phối tại các thị trường tiềm năng
+ Đánh giá nhu cầu tiêu dùng của các siêu thị, nhà hàng, khách sạn tại các thành phố lớn để xác định khách hàng mục tiêu
+ Thử nghiệm phân phối tại các kênh hàng mục tiêu
+ Theo dõi phản ứng tại các kênh phân phối
+ Thiết lập việc bán sản phẩm theo hợp đồng
+ Thiết lập hệ thống thông tin thị trường (xây dựng hệ thống theo dõi thị trường tại các thành phố lớn)
+ Điều chỉnh việc sản xuất và thu hoạch theo thị trường
Về tổ chức người sản xuất:
- Xây dựng Hội sản xuất và kinh doanh tu hài Vân Đồn (người sản xuất và tác nhân thương mại). Hội có thu phí từ người nuôi, để:
+ Quản lý chất lượng sản phẩm từ trang trại tới bàn ăn: Các hộ kiểm tra chéo lẫn nhau
+ Tạo điều kiện để người nuôi học tập kinh nghiệm sản xuất
- Xây dựng tổ kinh doanh trong hội do người sản xuất bầu ra:
+ Hạn chế sự ép giá và gian lận thương mại
+ Trực tiếp phát triển thị trường với sản phẩm có nhãn mác và chất lượng đăng ký, hạn chế chi phí trung gian, tăng giá bán của sản phẩm
- Thiết lập hệ thống giám sát độc lập (các cơ quan nhà nước) để duy trì chất lượng của sản phẩm và giải quyết các tranh chấp thương mại nếu có.
4. Thảo luận
Những khó khăn có thể gặp phải trong quá trình triển khai
- Việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu cho hàng nông sản thường xuất phát từ ý kiến của cơ quan quản lý, nhiều khi không tránh khỏi hình thức áp đặt, không dựa trên nhu cầu thực sự của thị trường làm mất đi tính năng động và tự chủ của người sản xuất
- Sản xuất tu hài giống và tu hài thương phẩm luôn chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, biến động giá trong việc thu mua giống và thương phẩm làm ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng tu hài từ đó ảnh hưởng đến việc tạo lập các kênh tiêu thụ ổn định và thu nhập của người nuôi trồng và kinh doanh tu hài.
- Giá cả đầu vào cũng như đầu ra của sản phẩm không ổn định ảnh hưởng đến việc sản xuất và thực hiện các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.