Mới hơn 30 tuổi, nhưng anh Phạm Văn Hợp, tổ dân phố số 1, thị trấn Phong Hải đã sở hữu cơ ngơi khang trang với căn nhà hai tầng diện tích gần 300 m², có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Anh Hợp cho biết, tiền xây nhà và mua sắm tiện nghi của gia đình đều từ nuôi cá. Dẫn chúng tôi đi thăm hệ thống ao nuôi quy mô hơn 1 ha, anh Hợp chia sẻ: Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình tôi tập trung nuôi cá thương phẩm ngắn ngày và dài ngày. Các ao được phân loại để nuôi từng loại cá, phù hợp theo kỹ thuật thâm canh gối vụ.
Anh Hợp cho biết thêm: Nhà tôi còn ương nuôi cá bột, nên kỹ thuật nuôi và chăm sóc rất quan trọng, phải thực hiện đúng quy trình. Đầu tiên phải tháo cạn nước, phơi khô ao, khử trùng bằng vôi, dẫn nước sạch vào ao rồi mới thả cá giống. Cá giống phải là những con khỏe mạnh, có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Để cá phát triển tốt, không mắc bệnh, cần phải đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Mỗi ngày cho cá ăn từ 3 - 4 lần (tùy thuộc vào giai đoạn phát triển). Trong quá trình nuôi cần chú ý tới công tác phát hiện và phòng, trừ dịch bệnh. Khi phát hiện bệnh cần có biện pháp cách ly, không để dịch bệnh lan rộng và dùng thuốc phòng bệnh cho cá. Nhờ có kinh nghiệm và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, mỗi năm gia đình anh xuất bán 2 lứa cá, với sản lượng trên 20 tấn, thu lãi gần 200 triệu đồng.
Là thôn có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống, Khởi Khe được biết đến là thôn có tỷ lệ hộ khá và giàu cao của thị trấn Phong Hải. Nuôi cá thương phẩm là hướng phát triển kinh tế, làm giàu của bà con nơi đây. Thôn có 145 hộ, thì gần 100 hộ có ao nuôi, trong đó, 60 hộ phát triển nuôi cá thương phẩm quy mô lớn. Hiện, thôn có trên 50 ha ao nuôi và cũng là thôn có diện tích nuôi thủy sản lớn của thị trấn Phong Hải, thu nhập đạt từ 80 - 200 triệu đồng/ha/năm. Anh Bàn Trọng Hòa, Trưởng thôn Khởi Khe cho biết: Để nuôi cá thương phẩm trở thành sinh kế bền vững cho người dân, Ban phát triển thôn đã vận động các hộ mở rộng diện tích ao, chú trọng hướng dẫn người dân tuân thủ kỹ thuật chăm sóc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2016, thôn đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi thủy sản, với 15 thành viên có diện tích ao nuôi cùng địa điểm, khu vực, quy mô ao nuôi từ 1 ha trở lên. Tổ hội nghề nghiệp được thành lập đã góp phần hỗ trợ kỹ thuật và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người dân.
Thị trấn Phong Hải có trên 118 ha ao, hồ nuôi thủy sản, tăng hơn 30 ha so với năm 2010, sản lượng đạt 347 tấn/năm (tăng 122 tấn so với cùng kỳ năm 2016), doanh thu đạt 150 tỷ đồng. Để có được kết quả trên, hằng năm, UBND thị trấn Phong Hải đều xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về nuôi thủy sản cho các hộ dân; vận động người dân nuôi cá theo hình thức thâm canh, gối vụ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Hiện, thị trấn có trên 100 hộ nuôi thủy sản quy mô lớn (từ 1 ha ao nuôi trở lên), nhiều hộ từ nuôi cá đã vươn lên trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, thu nhập hằng năm từ 150 triệu đồng trở lên. Điển hình như các hộ: Phạm Ngọc Toàn, tổ dân phố số 5; Phạm Văn Hợp, tổ dân phố số 1; Nguyễn Văn Hợp, thôn Khởi Khe...
Ông Lê Xuân Cương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Hải cho biết: Trước đây, các hộ nuôi cá theo hình thức quảng canh, mỗi năm chỉ thu được một lứa. Những năm gần đây, được sự định hướng và hỗ trợ kỹ thuật của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, bà con đã chú trọng đầu tư nuôi thủy sản hàng hóa.
Từ phát triển nuôi thủy sản, nhiều hộ trên địa bàn đã thoát nghèo, kinh tế gia đình từng bước ổn định, vươn lên khá, giàu. Thị trấn tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, phấn đấu sản lượng cá thương phẩm mỗi năm tăng từ 15% - 20%.