Sơ lược về ba ba
Ba ba là động vật hoang dã sống ở sông ngòi tự nhiên, vùng nước ngọt, trong các hồ, ao, sông ngòi, đầm... có bốn chân, không có đuôi. Ba ba có 4 loài: Ba ba trơn, ba ba gai, ba ba cua đinh và lẹp suối. Thức ăn chủ yếu là động vật, đẻ trứng vào đất cát ở mép nước, ba ba là loài háu ăn nhưng tốc độ lớn lại chậm, hung dữ như nhiều loài ăn thịt khác nhưng lại nhút nhát khi nghe thấy tiếng động lớn.
Ba ba từ xưa đã được sử dụng trong những bài thuốc bổ và là một trong những bài thuốc chữa được bách bệnh. Ảnh: thucphamsachgreenhouse.com
Thịt ba ba là một thức ăn quý, có giá trị dinh dưỡng cao. Được biết, trong 100g thịt ba ba có khoảng 80g nước, 16,5g protid, 1g lipid, 1,6g carbohydrat, 107mg canxi, 1,4mg chất sắt, 3,7mg axit nicotinic, khá giầu các vitamin B1, B2, vitamin A và iốt, có thể chế biến được nhiều món ăn ngon, có giá trị bồi dưỡng tốt cho cơ thể. Ngoài ra, thịt ba ba còn là một vị thuốc quý, có tác dụng bồi bổ cơ thể và chữa nhiều bệnh.
Một số dấu hiệu nhận biết để phòng trị bệnh
Trong quá trình nuôi, nếu nhận thấy ba ba có dấu hiệu kém ăn, cơ thể gầy, hay nổi lên mặt nước ven bờ, một số bộ phận như cổ, đầu, chân xuất hiện các vết loét thì có thể ba ba đã mắc bệnh viêm loét.
Bệnh thường xuất hiện ở những ao nuôi có mật độ dày, ao sau khi đưa vào nuôi được 2-3 năm, đáy ao dọn vệ sinh không tốt, không thay nước ao thường xuyên. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng thường tập trung vào mùa đông và mùa xuân sau khi trú đông, ở cả ba ba giống lớn, ba ba thịt và ba ba bố mẹ. Tác nhân gây bệnh là những vi khuẩn thường sống trong bùn và nước bẩn như Aeromonas hydrophyla (một loài vi khuẩn Gram âm dị dưỡng, hình que chủ yếu được tìm thấy trong các khu vực có khí hậu ấm áp, vùng nước ngọt hoặc nước lợ), Pseudomonas sp (là một chi vi khuẩn xuất hiện ở mọi nơi trong môi trường).
Khi nhiễm bệnh, ba ba có những vết loét với hình dạng và kích cỡ nhất định, rất dễ thấy được ở đầu, cổ, chân, xung quanh phần mềm của mai, trên mai phần bụng của ba ba. Miệng vết loét thường xuất huyết, một số vết có thể đóng kén (nếu khều ra có thể nhìn thấy những cục trắng như bã đậu). Khi bệnh nặng, cơ thể ba ba mềm nhũn, hoạt động chậm chạp, bị lật ngửa cũng không đủ sức tự lật úp lại. Sau khi bị bệnh từ 1 – 2 tuần ba ba có thể bị chết.
Bệnh ghẻ lở ở ba ba là căn bệnh mà bà con thường xuyên gặp phải. Ảnh: traicagiong.com
Để điều trị bệnh, có thể dùng kháng sinh Oxytetracyline hay Cifrofloxacin trộn với mỡ heo bôi trực tiếp lên các vết loét, để ba ba ở trên cạn 30-60 phút, sau đó thả lại vào nước. Bôi thuốc 3 lần/tuần, cách một ngày bôi 1 lần. Trong trường hợp vết loét nặng, có kén phải cậy vảy, lấy hết kén ra, lau sạch vết thương, rắc thuốc kháng sinh đã tán thành bột và bôi thuốc ra bên ngoài. Phải nhốt ba ba trên cạn càng lâu càng tốt (khoảng 2 – 3 ngày liên tục, tùy theo sức khỏe ba ba), luôn giữ độ ẩm và yên tĩnh cho chúng. Có thể tắm cho ba ba bệnh bằng các loại thuốc kháng sinh trên trong 3 – 5 ngày liên tục. Tỷ lệ khỏi bệnh có thể đạt 70 – 80%.
Ngoài các triệu chứng ăn ít, lờ đờ, trên cổ, da, xuất hiện những vùng nổi trám trắng như bông và có một vài cá thể đã chết thì ba ba có thể được xác định bị bệnh nấm thủy mi. Bệnh này phát triển mạnh ở nhiệt độ nước 18 – 25ºC, từng gây chết nhiều cho ba ba giống trú đông (tỷ lệ có khi lên tới 40%).
Khi bị bệnh, trên da, cổ, chân xuất hiện những vùng trắng xám (trên đó có các sợi nấm mềm). Sau vài ngày, sợi phát triển thành búi trắng như bông có thể nhìn được bằng mắt thường (dưới nước sẽ nhìn rõ sợi nấm hơn). Khi ba ba bị viêm loét, nấm có thể phát triển trên vết loét làm bệnh nặng thêm và dễ chết hơn.
Để điều trị, cần bắt ba ba vào chậu, tắm bằng Formalin 100ml/m3 nước (1 – 2 giờ), lượng thuốc chỉ cần ngập đến lưng để ba ba có thể hít thở không khí, tránh để thuốc ngấm vào đường tiêu hóa vì sẽ gây nhiễm độc cho ba ba. Người nuôi cũng có thể rắc thuốc trực tiếp xuống ao nuôi với liều lượng 0,05 – 0,1g/m3 nước (tắm hoặc rắc thuốc 2 lần/tuần). Tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên đến 100% nếu xử lý kịp thời.
Trên đây là dấu hiệu nhận biết một số bệnh xuất hiện trên ba ba giúp bà con có thể kịp thời xử lý và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho ao nuôi của mình.