Tại Tp HCM ngày 28/02/2013, trong buổi đón tiếp đoàn nhà báo châu Âu, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, đã trình bày vắn tắt về quá trình hình thành và phát triển của ngành công nghiệp cá tra tại Việt Nam. Trong vòng gần 20 năm, sản xuất cá tra đã đạt tốc độ phát triển chưa từng có trong bất kỳ lĩnh vực thực phẩm nào khác trên thế giới, giá trị XK cá tra đã tăng 50 lần, XK tới hơn 100 quốc gia. Tuy nhiên, nhận thức được nguy cơ từ sự phát triển quá nhanh sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về môi trường, xã hội và an toàn thực phẩm, Việt Nam đã và đang hết sức chú trọng tập trung vào chất lượng sản phẩm cũng như sản xuất bền vững và có trách nhiệm.
Thăm các vùng nuôi cá tra đạt chứng nhận ASC và nhà máy chế biến
Sáng ngày 01/03/2013, Đoàn đã đến thăm Công ty CP Vĩnh Hoàn. Chị Đặng Thị Thương, đại diện Công ty, đã giới thiệu về 15 năm phát triển cùng cá tra của Vĩnh Hoàn theo đó, kim ngạch XK của công ty vào năm 1998 là 12 triệu USD, 75 triệu USD vào năm 2007 và 174 triệu USD vào năm 2012 (gấp hơn 12 lần sau 15 năm hoạt động). Hiện nay, Vĩnh Hoàn có 3 nhà máy chế biến cá tra XK với code EU là DL 147, DL 61 và DL 500, nhà máy thức ăn, nhà máy chế biến phụ phẩm cá tra, các vùng nuôi cá tra với lực lượng lao động trên 5.000 công nhân. Công ty có hệ thống quản lý đã đạt các chứng chỉ quốc tế có uy tín như ISO 9001:2000, ISO14001:2004, BRC:2005, IFS và ASC.
Bà Nicki Holmyard, chuyên gia về thủy sản của Tạp chí SeafoodSource, Fish
Farming và là cộng tác viên với rất nhiều tờ báo chuyên ngành khác ở Anh
Các phóng viên Châu Âu quan tâm đến việc Vĩnh Hoàn hiện đang mở rộng đầu tư ra ngoài ngành thủy sản, điển hình là lĩnh vực lúa, gạo. Đại diện Công ty cho biết đây là mục tiêu nằm trong chiến lược tổng thể của Vĩnh Hoàn nhằm phấn đấu trở thành một tập đoàn đa ngành đa nghề nhưng vẫn lấy trọng tâm là cá tra làm sản phẩm nền tảng để phát triển.
Tại vùng nuôi Tân Thuận Đông, Đoàn phóng viên đã được xem và nghe thuyết trình về nội dung áp dụng NTTS theo tiêu chuẩn ASC. Đây là một tiêu chuẩn có yêu cầu rất nghiêm ngặt bao gồm các vấn đề về môi trường và xã hội như: pháp lý, sử dụng đất và nước, ô nhiễm nước và kiểm soát chất thải, di truyền và đa dạng sinh học, kiểm soát thức ăn, kiểm soát sức khỏe, thuốc thú y và hóa chất, trách nhiệm với người lao động và cộng đồng xung quanh. Các phóng viên nước ngoài tập trung tìm hiểu về vấn đề thức ăn cho cá, các vấn đề về vi sinh và hóa chất, cách bố trí ao nuôi, hệ thống cấp, xả nước, kỹ thuật và quy trình xử lý khi có dịch bệnh xảy ra…
Ngày 02/03/2013, tại vùng nuôi cá tra thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre của Công ty CP Hùng Vương, các phóng viên tiếp tục tham vấn và đặt nhiều câu hỏi sâu hơn về tiêu chuẩn ASC đang được áp dụng cho cá tra Việt Nam; về sự khác nhau giữa nuôi cá thông thường và nuôi cá theo ASC, chất lượng cá khác biệt thế nào, thị trường tiêu thụ đã có biến chuyển ra sao khi cá được dán nhãn ASC…
Sau khi khảo sát các cùng nuôi, đoàn phóng viên đã lần lượt được tham quan nhà máy chế biến của Công ty Vĩnh Hoàn và Hùng Vương. Tại đây, đoàn được nghe giới thiệu chi tiết từng quy trình trong dây chuyền sản xuất, được quan sát thực tế quá trình từ con cá tra trở thành sản phẩm philê đông lạnh và đóng gói xuất khẩu theo các tiêu chuẩn VSATTP nghiêm ngặt nhất.
Tại nhà máy chế biến của Công ty CP Hùng Vương, đoàn phóng viên đã thực hiện phỏng vấn một số công nhân trẻ nhằm tìm hiểu về môi trường, điều kiện lao động cũng như tâm tư, nguyện vọng của cá nhân mỗi người khi làm việc trong ngành công nghiệp cá tra.
Một vài cảm nhận và đánh giá ban đầu
Có thể nhận thấy, đa số các phóng viên trong đoàn công tác đều cho biết đây là lần đầu tiên đến Việt Nam và cũng là lần đầu tiên tìm hiểu ngành công nghiệp cá tra.
Anh David Hecker, phóng viên ảnh cho hãng tin DAPD của Đức, cho biết trước khi đặt chân đến Việt Nam, mọi khái niệm về cá tra của anh hầu như bằng không. “Ở Đức, tôi chỉ biết đến cá tra qua những miếng philê trong các siêu thị. Tôi cũng như nhiều người dân Đức chưa hề được tận mắt thấy một con cá tra thật sự cũng như chưa hiểu được quy trình chế biến chúng ra sao”.
Qua chuyến đi thực tế lần này, David Hecker rất hào hứng và vui sướng vì đã có thể chụp được rất nhiều bức ảnh sinh động, chân thực về con cá tra. “Đây sẽ là một bộ ảnh rất có giá trị vì tôi có thể kể được câu chuyện xuyên suốt của cá tra từ lúc ươm nuôi cho đến khi lên bàn ăn. Người tiêu dùng ở Đức chắc chắn sẽ rất ngỡ ngàng và thích thú”.
Đồng quan điểm, anh Joachim Heyvaert, phóng viên làm việc cho hãng tin De Standaard của Bỉ, cho rằng quy mô lớn và hiện đại của các nhà máy chế biến cá tra đã làm anh thực sự bị choáng ngợp. “Khi trở lại Bỉ, tôi chắc chắn sẽ viết bài kể lại chi tiết những gì tôi được tận mắt thấy ở đây, về những vùng nuôi rộng lớn và những nhà máy hiện đại công suất lớn, không đơn giản chỉ là miếng cá philê đơn điệu mà chúng tôi thường thấy trong các siêu thị”.
Nhà báo, nhà phê bình ẩm thực, ông Mac Van Dinther làm việc cho tờ báo De Volkskrant của Hà Lan, thì tỏ ra khó tính hơn. Ông quan tâm nhiều đến các vần đề về kháng sinh, vi sinh, hóa chất cũng như chất lượng thịt cá…
Theo bà Nicki Holmyard, chuyên gia về thủy sản của Tạp chí SeafoodSource, Fish Farming và là cộng tác viên với rất nhiều tờ báo chuyên ngành khác ở Anh, những gì đang diễn ra đối với ngành công nghiệp cá tra của Việt Nam không khác mấy so với suy nghĩ của bà từ trước. Chuyến đi này một lần nữa là để kiểm chứng lại những đánh giá này.
“Nuôi cá tra theo tiêu chuẩn ASC là điều kiện rất tốt để cá tra thâm nhập thị trường thế giới, nhưng ngay cả ASC cũng không phải là một tiêu chuẩn hoàn hảo. Tại 2 vùng nuôi đạt ASC vừa qua tôi cũng vẫn thấy có một số vấn đề chưa giải quyết được. Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy ngành thủy sản ở Việt Nam hiện nay vẫn còn là một ngành thâm dụng lao động khá lớn, khác so ngành thủy sản ở các nước phương Tây, nơi mà mức độ tự động hóa đã đạt đến tỷ lệ rất cao”- bà Nicki Holmyard chia sẻ.
Ông Chris Ninnes, Giám đốc điều hành ASC, cho rằng việc tổ chức chuyến thăm và làm việc cho các nhà báo Châu Âu tại Việt Nam lần này là một cơ hội để mang lại cái nhìn chân thực và rõ ràng hơn về thực tế ngành cá tra, bác bỏ những thông tin bôi nhọ trước đây, đồng thời góp phần quảng bá và nâng cao thương hiệu cho sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.