Mua bảo hiểm cầm chừng
Tàu cá vỏ thép số hiệu PY99990TS được công ty đóng tàu bàn giao cho ông Phạm Luyện ở khu phố Phú Thọ, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa vào ngày 9/12/2016. Tuy nhiên, thời điểm này, các thủ tục đăng kiểm tàu chưa hoàn thành nên đến đầu năm 2017, ông Luyện mới có thể mua bảo hiểm thân tàu cho tàu PY99990TS. Ông Luyện cho biết: Với công suất 885CV, tàu đóng mới hoàn toàn thì tổng số tiền bảo hiểm thân tàu PY99990TS trong 1 năm là hơn 200 triệu đồng. Nếu kịp mua bảo hiểm trong năm 2016, tôi sẽ được Nhà nước hỗ trợ 90% chi phí như quy định tại Nghị định 67 và chỉ đóng hơn 20 triệu đồng. Trong khi đó, vì “lỡ chuyến đò”, tôi phải bỏ tiền túi ra đóng đầy đủ khoản tiền này nếu muốn tàu được bảo hiểm khi vươn khơi. Phí bảo hiểm quá lớn, trong khi hiệu quả đánh bắt chưa biết đến đâu. Thêm vào đó, tiền trong nhà đã bị vét hết để đóng tàu và mua sắm ngư cụ, phí tổn cho chuyến biển đầu tiên nên tôi đành chọn phương án chỉ mua bảo hiểm thân tàu trong 3 tháng với số tiền 59 triệu đồng.
Không riêng ông Luyện, anh Nguyễn Văn Rõ, chủ tàu PY-90141TS công suất 420CV, ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa cũng phải mua bảo hiểm tàu cá cầm chừng trong 3 tháng khi bảo hiểm cũ đã hết hạn. Anh Rõ tính toán: Trước đây, khi được Nhà nước hỗ trợ 90% chi phí mua bảo hiểm tàu cá, tôi mạnh dạn mua 1 năm và chỉ mất khoảng 2,4 triệu đồng. Nay, việc hỗ trợ tiền mua bảo hiểm bị tạm ngưng, trong khi thời hạn bảo hiểm đã hết, tôi đành mua lại 3 tháng nhưng phải tốn hơn 6 triệu đồng. Biển giã khó lường, hiệu quả của mỗi chuyến đánh bắt tùy thuộc vào nhiều thứ, chưa kể hiện nay giá dầu, giá lương thực, thực phẩm đều tăng nên việc phải đóng 100% phí bảo hiểm sẽ tạo thêm gánh nặng cho ngư dân.
Chờ hướng dẫn để triển khai
Theo Nghị định 67 (sau đó là Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tàu cá có công suất từ 400CV trở lên sẽ được hỗ trợ 90% chi phí khi chủ tàu mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm ngư lưới cụ và bảo hiểm rủi ro đặc biệt. Còn tàu cá có công suất từ 90CV đến dưới 400CV được hỗ trợ 70% chi phí. Cuối năm 2016, mặc dù Chính phủ đã thống nhất gia hạn thời gian thực hiện các nghị định này đến hết năm 2017; tuy nhiên đến nay, quy định về tiếp tục hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm tàu cá vẫn chưa được ban hành khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Chị Lê Thị Ngân, chủ tàu PY-96678TS, ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, cho hay: Tàu của tôi có công suất 265CV. Hết hạn bảo hiểm, tôi mua lại 3 tháng nhưng chỉ với 60% giá trị tàu và tốn hơn 5 triệu đồng. Đối với ngư dân chúng tôi, nếu “biển no” thì số tiền này ai cũng có thể thoải mái bỏ ra để mua bảo hiểm, nhưng gặp lúc “biển đói” như hiện nay thì số tiền này không hề nhỏ. Theo chị Ngân, chị chọn phương án chỉ mua bảo hiểm trong 3 tháng, phần vì không biết tình hình đánh bắt thời gian tới thế nào, phần cũng chờ xem Nhà nước có tiếp tục hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm cho ngư dân hay không.
Ông Võ Anh Khoa, Giám đốc Công ty Bảo Minh Phú Yên, cho biết: Trong khi chờ Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể về việc tiếp tục hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm tàu cá, Công ty Bảo Minh Phú Yên vẫn bán bảo hiểm tàu cá cho ngư dân có nhu cầu với mức phí bình thường do tổng công ty quy định. Chúng tôi cũng luôn sẵn sàng điều kiện, nhân lực, chỉ chờ cấp quản lý hướng dẫn thì sẽ triển khai bán bảo hiểm cho ngư dân theo mức phí đã được hỗ trợ.
Theo Công ty Bảo Minh Phú Yên - đơn vị được Bộ Tài chính giao trách nhiệm triển khai bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 tại Phú Yên, trong năm 2016, đơn vị này đã nhận bảo hiểm cho 607 tàu cá cùng hơn 4.500 thuyền viên với tổng phí gần 13,4 tỉ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 10,1 tỉ đồng. Năm qua, công ty cũng đã chi trả gần 2,2 tỉ đồng tiền bồi thường cho 107 trường hợp tàu cá gặp sự cố.