Nông dân cần được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn để bảo đảm chất lượng nông sản
Đặc biệt, vấn đề kiểm soát nguy cơ ô nhiễm bước đầu được quan tâm đúng mức, chất lượng vật tư nông nghiệp cơ bản được kiểm soát. Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đều quản lý chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và hạn sử dụng…
Trong năm 2011, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tuyên truyền, phổ biến đến người sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm sản và thủy sản các quy định, hướng dẫn về bảo đảm ATTP. Ngành tổ chức 32 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho 3.200 người là cán bộ quản lý, đối tượng trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản với các nội dung: kỹ thuật sản xuất rau an toàn và chăn nuôi an toàn sinh học; phổ biến kinh nghiệm cho các hộ nuôi trồng thủy sản; bảo đảm ATTP trong sản xuất thủy sản…
Ngành quan tâm, đôn đốc hoạt động quản lý thuốc BVTV, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón từ khâu sản xuất, kinh doanh đến sử dụng, mở trên 100 lớp tập huấn cho nông dân về sử dụng thuốc BVTV an toàn, quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAP, điều kiện sản xuất, sơ chế rau, quả an toàn và kỹ thuật xây dựng chuồng trại, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú, phạm vi và đối tượng tuyên truyền rộng khắp cả tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về ATTP.
Trong năm, ngành thực hiện 3 đợt kiểm tra đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản. Đợt 1 kiểm tra, đánh giá, phân loại 11 cơ sở (sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; chế biến thực phẩm; kinh doanh thuốc BVTV, thuốc thú y, phân bón; chế biến rau, củ quả). Đoàn thanh tra tiến hành lấy 7 mẫu thức ăn chăn nuôi gửi Trung tâm phân tích và giám định thực phẩm quốc gia, kết quả cho thấy mẫu không chứa hàm lượng Clenbuterol (hooc môn kích thích tăng trưởng).
Kiểm tra đợt 2 với 30 cơ sở (8 cơ sở chuyên chăn nuôi tập trung, 8 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, 8 vùng trồng rau tập trung và 6 chợ trung tâm thành phố Bắc Ninh) nhằm đánh giá chất lượng nông sản từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Phân tích 7 mẫu đất, 7 mẫu nước, 8 mẫu thịt và 15 mẫu rau, kết quả cho thấy: Với rau, hầu hết không phát hiện dư lượng thuốc BVTV hay vi sinh vật gây hại, tuy nhiên, có 2 mẫu rau có hàm lượng thuốc BVTV vượt gấp nhiều lần so với giới hạn cho phép (mẫu rau cải bắp thu tại gia đình bà Nguyễn Thị Điệp – Tân Hồng - Từ Sơn, hàm lượng Hexaconazole là 15.5µg/kg, gấp 3.4 lần giới hạn cho phép; mẫu rau húng thu tại gia đình bà Nguyễn Thị Hoài - Tân Hồng - Từ Sơn, hàm lượng Cypermethrin là 68.55µg/kg, gấp hơn 6.3 lần giới hạn cho phép); Với thịt: Tất cả những mẫu thịt gửi đi phân tích đều cho kết quả âm tính với Salmonella và Campylobacter.
Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thủy sản, đoàn tiến hành kiểm tra 22 cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ trang trại nuôi trồng thủy sản (2 cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản; 1 nhà máy sản xuất chế phẩm sinh học, chất xử lý môi trường; 3 cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản; 5 cửa hàng kinh doanh thức ăn thủy sản; 11 cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản). Cán bộ chuyên môn lấy 8 mẫu thức ăn thủy sản, 6 mẫu chế phẩm sinh học, chất xử lý môi trường để phân tích. Kết quả, hầu hết các cơ sở đầy đủ giấy phép kinh doanh, có nhà xưởng, trang thiết bị, quy trình công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT; lao động được đào tạo, có chứng chỉ phù hợp, hiểu biết nhất định chuyên môn, thành thạo kỹ thuật trong lĩnh vực hoạt động, được trang bị bảo hộ lao động…
Tuy nhiên, công tác thanh kiểm tra cho thấy một số tồn tại cần khắc phục như: sản phẩm sản xuất trong nhà xưởng để chưa khoa học, chưa có thiết bị phòng chống cháy nổ, việc kiểm dịch và ghi nhãn hàng hóa đi kèm khi đóng túi cá theo quy định trong sản xuất, kinh doanh giống thủy sản chưa thực hiện được, các cở đều chưa có hệ thống xử lý nước thải riêng biệt. Phân tích các sản phẩm thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản trong ngưỡng cho phép, không có chất cẩm sử dụng trong sản xuất thức ăn như: Sanlmonella, Aspergillus flavus, Choloramphenicol, Furazolulidone, Furaltadone… Hàm lượng Lipid và độ ẩm của thức ăn đạt tiêu chuẩn. Kết quả phân tích 6 mẫu chế phẩm sinh học, chất xử lý môi trường cho thấy hàm lượng các chất có trong sản phẩm đúng như công bố.
Bên cạnh hiệu quả đạt được thì hệ thống quản lý chất lượng, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay còn thiếu về số lượng và chưa chuyên nghiệp. Hệ thống thanh tra chuyên ngành còn mỏng, năng lực hạn chế, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Công tác kiểm tra, giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất chưa được thường xuyên, bài bản.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ATTP còn chậm, chưa đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tế cộng với nhận thức tầm quan trọng ATTP của các cấp quản lý, người sản xuất và người tiêu dùng chưa thực sự đầy đủ, nhất quán cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản gia tăng. Trong năm 2012, ngành nông nghiệp danh ưu tiên hàng đầu cho hoạt động quản lý ATTP và chất lượng vật tư nông nghiệp, phân công làm rõ trách nhiệm đến từng đơn vị chức năng, địa phương, từng bước kiểm soát tốt thực phẩm an toàn từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng…