Có hơn chục năm nuôi cá sấu, ông Đào Thanh Tùng ở ấp 1, xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh hiểu rất rõ đặc tính của con cá sấu. Dù là loài động vật di chuyển khá chậm chạp nhưng nếu chuồng trại không được xây dựng đúng quy chuẩn, người nuôi có phần chủ quan là cá sấu rất dễ thoát ra môi trường bên ngoài.
Hiện nay, cơ sở của ông Đào Thanh Tùng nuôi gần 1.000 cá thể sấu lớn nhỏ khác nhau, dù xây dựng chuồng trại khá quy mô và việc quản lý tương đối chặt chẽ nhưng không ít lần cá sấu của ông cũng thoát ra bên ngoài, rất may là đều được phát hiện và bắt lại kịp thời.
“Cá sấu là loài động vật hung dữ, dù mình nuôi 01 - 02 năm thì nó cũng không phân biệt được chủ hay người lạ gì đâu, chỉ cần sơ suất một chút như khép cửa chuồng không kỉ hay quên đóng óng xả nước thải thì nó sẽ thoát ra ngoài liền” - ông Đào Thanh Tùng chia sẻ thêm.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 370 hộ đăng ký nuôi cá sấu, với số lượng cá thể lên trên 50 ngàn con; trong đó, số lượng hộ chăn nuôi theo quy mô gia đình chiếm tỷ lệ cao. Thực tế, chăn nuôi cá sâu theo quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình thường rất khó quản lý, việc xây dựng chuồng trại cũng không theo quy chuẩn - đây cũng là một trong những nguy cơ dễ dẫn đến cá sấu thoát ra bên ngoài. Do đó, cơ sở chăn nuôi cá sấu hộ gia đình là những nơi mà lực lượng Kiểm lâm Đồng Tháp cần thường xuyên kiểm tra theo dõi định kỳ.
Hàng năm, lực lượng Kiểm lâm Đồng Tháp có tổ chức 02 đợt kiểm tra định kỳ các cơ sở chăn nuôi cá sấu trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là những tháng nước lũ lên cao - thời điểm cá sấu rất dễ thoát ra bên ngoài. Dù chưa có những sự cố tương tự cá sấu sổng chuồng như ở tỉnh Cà Mau nhưng lực lượng Kiểm lâm Đồng Tháp cũng khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là.
Ông Nguyễn Phú Cường - Kiểm lâm viên Chi cục Kiểm lâm Đồng Tháp cho biết: Mặc dù chưa xảy ra tình trạng cá sấu sổng chuồng trên địa bàn tỉnh nhưng ngành chuyên môn cũng tăng cường hướng dẫn người nuôi bảo đảm an toàn chuồng trại; nếu mà chuồng trại mình không đảm bảo thì cá sấu lớn hay cá sấu nhỏ đều có khả năng sổng ra ngoài và đương nhiên đối với cá lớn, khi sổng ra ngoài mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn.
Chăn nuôi cá sấu được xem là một trong những hình thức chuyển đổi cơ cấu vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần được khuyến khích. Tuy nhiên, đây cũng là loài động vật có bản năng hung tợn, rất nguy hiểm cho cộng đồng nếu thoát ra môi trường bên ngoài. Do đó, từ sự cố cá sấu sổng chuồng ở tỉnh Cà Mau, thiết nghĩ ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra cơ sở vật chất chuồng trại của các hộ nuôi cá sấu trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo an toàn, tránh gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng dân cư.