Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa, cùng hàng trăm người dân xã Nghĩa An đã có mặt để chứng kiến ngư dân đưa tàu thuyền qua cửa sông Phú Thọ để ra khơi. Theo UBND xã Nghĩa An, hiện toàn xã có trên 200 tàu cá. Ngay trong chiều 1/11, UBND xã đã thông báo trên loa truyền thanh xã việc cửa sông Phú Thọ đã được thông luồng và tàu thuyền có thể ra khơi. Tuy nhiên, UBND xã cũng lưu ý ngư dân phải theo dõi kỹ diễn biến của bão Krosa- cơn bão số 12 trước khi đưa tàu thuyền ra khơi.
Theo Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông Phú Thọ, tại cửa Đại cho biết, sau 3 ngày khẩn trương thi công, các đơn vị đã nạo vét được trên 50.000m3 cát, và hiện công việc nạo vét vẫn tiếp tục được triển khai. Sau khi nạo vét thông luồng, việc xây kè chắn sóng cửa Đại sẽ tiếp tục được triển khai. Các cọc sắt đã được tập kết về nơi làm kè và các phương tiện cũng đang khẩn trương đưa cát tại khu vực nạo vét sang cửa Đại để tiến hành thi công. Theo dự kiến, thời gian làm bờ kè dài 500 mét này (trong đó 300m kè chống sạt lở và 200 kè chắn sóng) sẽ hoàn thành trong khoảng thời gian từ 30- 40 ngày để ngăn chặn tình trạng sạt lở và bồi lấp, đảm bảo cho các tàu thuyền ra cửa sông Phú Thọ bình thường.
Như Báo Giao thông đã phản ánh, trước đó, tỉnh Quảng Ngãi cho phép 2 là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ngọc Việt, Công ty CP Trường Phát Lộc nạo vét thông luồng, kết hợp tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu, đã gây nên tình trạng sạt lở, bồi lấp tại khu vực cửa sông Phú Thọ (phía Nam cửa Đại, thuộc xã Nghĩa An) và khu vực cửa sông Kinh (phía bờ Bắc cửa Đại, xã Tịnh Khê).
UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định tạm đình chỉ việc khai thác cát từ giữa tháng 9/2013, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục sự cố sạt lở… Tuy nhiên, trong quá trình khắc phục sạt lở, do ảnh hưởng của bão số 10 và số 11 kết hợp triều cường dâng cao, sóng lớn làm bồi lấp cửa sông Phú Thọ và cửa sông Kinh, khiến hàng trăm tàu thuyền của người dân không thể ra khơi do bị mắc kẹt phía trong các cửa sông này khiến người dân bức xúc…
Đỉnh điểm của sự bức xúc này, đó là việc người dân xã Nghĩa An khi thấy các phương tiện của Công ty CP Trường Phát Lộc neo đậu ở khu vực phía Bắc cửa Đại đã hiểu nhầm rằng công ty này đưa tàu vào tiếp tục nạo vét, tận thu cát khu vực cửa Đại mà UBND tỉnh đã ra lệnh tạm dừng, nên ngày 27/10 đã kéo nhau lên UBND huyện phản đối, gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền trên QL1.
Cửa sông Phú Thọ đã được khơi thông, tàu thuyền của ngư dân bị mắc kẹt trong cửa sông này đã được ra khơi trong chiều 1/11
Ngày 28/10, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa đã đến hiện trường để đối thoại với người dân xã Nghĩa An và cam kết sẽ thông luồng cửa sông Phú Thọ để ngày 2/11 tàu thuyền có thể ra vào, cũng như xây kè chống sạt lở bờ biển và tiến hành đền bù thiệt hại cho ngư dân do tàu thuyền ngư dân bị “mắc kẹt” không ra khơi được…
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sáng 29/10, các phương tiện và nhân lực đã được huy động đến hiện trường để tiến hành nạo vét, thông luồng cửa sông Phú Thọ.
Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định thành lập những ngày qua luôn túc trực trực tiếp chỉ đạo việc triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông Phú Thọ
Cũng trong ngày 29/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Ban chỉ đạo, gồm 6 thành viên, do ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, trực tiếp chỉ đạo việc triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông Phú Thọ, tại cửa Đại. Khối lượng cát nạo vét được dùng đắp bù vào vị trí bị sạt lở tại thôn Phổ Trường (xã Nghĩa An) và hoàn thành trước ngày 2/11, đảm bảo đến ngày 2/11 tàu thuyền của ngư dân đang bị “mắc kẹt” phía trong cửa sông Phú Thọ ra vào được.
Ngày 31/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có công văn hỏa tốc triển khai ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc xử lý, giải quyết những bức xúc của nhân dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành và đơn vị liên quan triển khai ngay việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho chủ tàu thuyền và người lao động trên tàu không ra khơi được, bảo đảm công khai, minh bạch, sát thực tế. Chính quyền phải trực tiếp đứng ra thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ. Phân nhóm mức độ thiệt hại của từng hộ dân để bồi thường, hỗ trợ theo hướng: Thiệt hại nhiều rõ thì hỗ trợ trước. Đối với người lao động thị hỗ trợ từ quỹ an sinh xã hội theo quy định của pháp luật. Đối với các phương tiện không ra biển được sẽ hỗ trợ 03 mức đối với 03 loại tàu (dưới 90 CV, từ 90-200 CV và trên 200 CV).
Bên cạnh việc thông luồng cửa sông Phú Thọ trước ngày 2/11 để tàu thuyền người ra khơi và đang làm kè chống sạt lở. Việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các chủ tàu thuyền và người lao động trên tàu không ra khơi được do cửa sông Phú Thọ bị bồi lấp cũng đang được triển khai
Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND huyện Tư Nghĩa và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ngọc Việt- đơn vị đã thực hiện nạo vét thông luồng kết hợp tận thu cát nhiễm mặn thảo luận, thống nhất về mức và nguồn kinh phí thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ nêu trên.