Huyện Lý Sơn hiện có trên 50 lồng bè thủy sản các loại, chủ yếu là các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá bớp, cá mú, cá hồng, tôm hùm, nhum sọ... Ông Huỳnh Văn Lý, chủ lồng bè cá bớp ở thôn Đông An Hải cho biết, thủy sản lồng bé có chất lượng tốt, nên giá bán tuy có biến động nhưng chúng tôi vẫn có thu nhập khá.
Còn tại phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), hoạt động nuôi trồng thủy sản ven biển cũng dần nhộn nhịp trở lại, các đối tượng nuôi chủ yếu là ốc hương, hải sâm, cá dìa, cá măng... Ông Ngô Tiến Dũng, ở tổ dân phố Bàn An, phường Phổ Quang cho biết, trước đây, tôi nuôi độc canh tôm, ốc hương. Hai năm nay, tôi nuôi luân phiên, kết hợp các loại thủy sản như nuôi tôm với cá măng, ốc hương với cá dìa. Qua đó, tiết kiệm chi phí, hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, nghề nuôi biển trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung khu vực gần bờ, nuôi nước lợ và còn manh mún. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, hiện nay cơ sở hạ tầng phục vụ vùng nuôi vừa thiếu vừa yếu, dịch bệnh liên tục kéo dài, giá cả bấp bênh, môi trường nước không đảm bảo, doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển là những nguyên nhân khiến ngành nuôi biển của tỉnh chưa phát huy tiềm năng và hiệu quả. Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản nuôi trồng (chủ yếu là tôm) đạt 2.372 tấn, giảm 5% so với cùng kỳ.
Một trở ngại lớn đối với ngành nuôi biển nữa là khó khăn về nguồn giống. Đơn cử tại huyện Lý Sơn, mỗi năm cần trên 200 nghìn con giống các loại, chủ yếu là cá mú, cá bớp, cá hồng, cá dìa... để phục vụ nhu cầu nuôi biển. Tuy nhiên, hiện chỉ có Trung tâm Giống tỉnh (Sở NN&PTTN) sản xuất và cung ứng 70 - 90 nghìn con giống các các loại. Riêng giống nhum sọ, tôm hùm thì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tự nhiên. Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, nhưng việc nhân rộng 2 đối tượng nuôi này là vấn đề cần tính toán. Bởi để có con giống phục vụ nhu cầu sản xuất, rất dễ dẫn đến tình trạng khai thác ồ ạt nhum sọ, tôm hùm giống ngoài tự nhiên, dẫn đến tình trạng mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
Chương trình phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu phát triển 930ha nuôi thủy sản nước lợ, 2.000 lồng nuôi trên biển và tăng tỷ trọng ngành nuôi trồng thủy sản từ 3 - 4%/năm. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân cho rằng, để phát huy tiềm năng và hiệu quả ngành nuôi biển của Quảng Ngãi, Sở NN&PTNT cần tham mưu UBND tỉnh quy hoạch vùng nuôi và quản lý diện tích mặt nước bài bản, đảm bảo hài hòa lợi ích của cộng đồng cư dân ven biển. Đồng thời, quan tâm bố trí nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ vùng nuôi. Thường xuyên quan trắc môi trường. Nuôi biển bị chi phối bởi các nguồn thải nên việc chủ động giám sát, liên tục quan trắc môi trường sẽ phát hiện và cảnh báo kịp thời những bất thường của nguồn nước, giảm thiểu rủi ro, góp phần tạo điều kiện phát triển bền vững ngành nuôi biển.