Thực tế, quá trình kiểm tra, rà soát cho thấy, tại một số địa phương trên địa bàn, người dân tự ý đưa tôm nước lợ vào nuôi trong vùng nước ngọt. Nhiều cơ sở, hộ nuôi tôm tự ý khoan giếng lấy nước dưới đất dùng, nâng độ mặn cho ao nuôi.
Trong khi, nước thải từ ao nuôi chưa được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm nước ngầm. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và diện tích đất nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ gây sụt lún đất.
Tại khu vực xã Hoàng Quế, TX. Đông Triều, nhiều hộ nuôi tôm tự ý khoan khai thác nước dưới đất trong tầng trầm tích Đệ tứ, Cacbon – Pecmi phục vụ nuôi tôm gây sụt lún bề mặt, ảnh hưởng đến sản xuất, gây nguy hiểm cho các công trình trên bề mặt.
Việc các cơ sở, hộ nuôi tự ý khoan, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất khi chưa được cấp phép là vi phạm điều cấm quy định tại Điều 9, Luật Tài nguyên nước. Để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất tren địa bàn, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước dưới đất, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan giếng, khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất trái phép, khai thác sử dụng nước dưới đất cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh không quy hoạch nguồn tài nguyên nước dưới đất phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn, lợ, nên mọi hoạt động trên đều được xem là bất hợp pháp.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp, hướng dẫn, giám sát UBND các địa phương để triển khai thực hiện theo chỉ đạo trên của UBND tỉnh Quảng Ninh. Tăng cường thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nước (đặc biệt là nguồn nước ngầm) trên địa bàn. Đảm bảo việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm theo đúng Quy hoạch đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt và các quy định của pháp luật hiện hành.