Năm 2018, Quảng Ninh xây dựng kế hoạch kiểm soát dịch bệnh thủy sản, bao gồm các hoạt động: Lấy mẫu phân tích giám sát chủ động theo định kỳ, lấy mẫu giám sát và điều tra các ổ dịch theo diễn biến dịch bệnh khi xảy ra; quan trắc, đánh giá môi trường vùng nuôi; xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh. Thời gian triển khai từ đầu vụ nuôi đầu tiên trong năm (tháng 2), đến kết thúc vụ nuôi cuối năm (tháng 12). Riêng đối với nội dung vùng nuôi an toàn dịch bệnh, tỉnh sẽ xây dựng 1 vùng nuôi tôm chân trắng an toàn dịch bệnh đốm trắng do vi rút (dự kiến tại TP Móng Cái), làm cơ sở nhân rộng, tiến tới xây dựng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh phục vụ cho xuất khẩu, quy mô 30-40ha với khoảng 20-30 hộ nuôi tham gia.
Ông Vương Văn Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, đánh giá: Các hạng mục trong kế hoạch kiểm soát dịch bệnh của tỉnh, khi được thực hiện sẽ đảm bảo các yếu tố thuận lợi cần thiết cho người nuôi, đảm bảo tính hiệu quả của vụ nuôi. Đơn cử như việc quan trắc môi trường vùng nuôi, lấy mẫu giám sát chủ động, nếu được thực hiện trước khi bước vào vụ nuôi sẽ khuyến cáo, hướng dẫn cho người nuôi biện pháp xử lý các yếu tố môi trường vượt ngưỡng cho phép, vùng nuôi có lưu hành mầm bệnh (nếu có). Tương tự, việc xây dựng vùng nuôi an toàn, nếu hoàn thiện trước khi thả giống, cơ quan chuyên môn sẽ hướng dẫn, giám sát về việc cải tạo môi trường ao nuôi, chất lượng con giống, tập huấn kỹ năng cho người dân, tiến hành quản lý tiến trình phát triển của vùng nuôi trong dự án...
Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, do công tác phê duyệt, cấp kinh phí của tỉnh chậm; việc thực hiện các thủ tục đấu thầu để triển khai từng phần việc cụ thể phức tạp, mất thời gian nên nhiều nội dung trong kế hoạch kiểm soát dịch bệnh thủy sản của tỉnh chậm triển khai, triển khai lỡ dở so với mùa vụ hoặc không được triển khai.
Khu vực ao nuôi an toàn của Tập đoàn BIM tại xã Tân Bình, huyện Đầm Hà.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến cuối tháng 4 tỉnh mới giao kinh phí, tháng 5 các đơn vị chuyên môn mới triển khai đối với những phần việc có kinh phí thực hiện nhỏ, không bắt buộc quy định đấu thầu. Cụ thể, đến thời điểm này đã điều tra 23 ổ dịch, thu 180 mẫu tôm, bùn, nước để xét nghiệm, phục vụ giám sát bị động tại các vùng nuôi trọng điểm. Qua đó đã phát hiện 34 mẫu (chiếm gần 19%) dương tính với vi khuẩn mang gen gây bệnh hoại tử gan, tụy cấp tính và dương tính với vi khuẩn mang mầm bệnh hoại tử thần kinh, kịp thời thông báo và có giải pháp phòng chống cho các vùng môi trường nhiễm bệnh.
Còn lại các hạng mục giám sát chủ động theo định kỳ, quan trắc môi trường nuôi và xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh do tổng kinh phí thực hiện lớn, buộc phải đấu thầu, đến thời điểm này các đơn vị chuyên môn vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục hành chính để có thể giải ngân vốn triển khai thực tế. Trong khi đó, người dân đã kết thúc vụ nuôi thứ nhất, đang chuẩn bị bước vào vụ nuôi cuối trong năm.
Theo ông Nguyễn Văn Kính, chủ đầm nuôi tôm tại phường Hải Hòa, TP Móng Cái, ngành nghề nuôi trồng thủy sản vốn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tác động bên ngoài, nhất là dịch bệnh. Bởi vậy trước mỗi vụ nuôi, các đơn vị chức năng thực hiện tổng thể các giải pháp kiểm soát dịch bệnh khiến chúng tôi yên tâm hơn để đầu tư. Còn ông Phạm Nghĩa Hải, người nuôi tôm xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên thì cho biết: Thực tế, mỗi người nuôi tôm trước vụ nuôi cũng cải tạo ao đầm, chọn giống... tuy nhiên không thể tổng quan, chính xác như đơn vị chuyên môn nhà nước. Hơn nữa nếu áp dụng các thiết bị quan trắc thì chúng tôi cũng chỉ có thể nắm bắt được tình hình trong khuôn khổ diện tích nuôi của mình, không thể kiểm soát được các ao nuôi lân cận hoặc vùng hạ tầng nuôi dùng chung. Vì vậy nguy cơ dịch bệnh vẫn rất cao, dẫn đến thiệt hại.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, việc chậm hoặc không triển khai một số nội dung kiểm soát dịch bệnh thủy sản đã phần nào khiến môi trường nuôi còn nhiều vùng lưu hành dịch bệnh mà không được phát hiện, cảnh báo để chủ động xử lý, hạn chế lây lan, bùng phát, dẫn đến tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi trồng toàn tỉnh từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp.
Hộ ông Nguyễn Văn Thu (thôn Nam, xã Vạn Ninh, TP Móng Cái) tận thu tôm vào tháng 5, khi phát hiện có mầm bệnh hoại tử gan, tụy lưu hành trong ao. Ảnh: Hữu Việt.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, chỉ tính trên con tôm thẻ chân trắng, đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản, đến hết tháng 7 toàn tỉnh có 103,38ha tôm nuôi của 224 hộ tại 17 xã thuộc 6 huyện bị nhiễm bệnh hoại tử gan, tụy cấp tính, bệnh đốm trắng do vi rút, tăng gần gấp 2 lần về diện tích và số hộ so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Móng Cái là địa phương bị thiệt hại nặng nhất, với 84,25ha của 170 hộ. Tỷ lệ mất trắng do bệnh dịch khoảng 30-35%, số còn lại chết ở giai đoạn 35-50 ngày tuổi.
Để khắc phục tình trạng trên, kịp triển khai trong vụ nuôi tôm cuối năm (bắt đầu từ tháng 9), hiện các đơn vị chức năng đang đẩy mạnh tiến độ thực hiện các thủ tục đấu thầu để triển khai giám sát chủ động theo định kỳ, quan trắc môi trường nuôi và xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh, đồng thời đề xuất tỉnh cho phép sử dụng kinh phí còn lại cho vụ nuôi đầu năm 2019.