Cuộc sống của người dân ven sông ở xã Hải Tân chủ yếu dựa vào con nước, hàng ngày họ di chuyển dọc các con sông đánh bắt cá, tôm để đắp đổi qua ngày. Chính vì mưu sinh trên sông nước nay đây mai đó nên đời sống của người dân ven sông ở xã Hải Tân trước đây rất bấp bênh, nghèo khó.
Từ khoảng năm 2004, để tạo nghề ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là các hộ dân sống ven sông, dân vạn đò, xã Hải Tân đã vận động và hỗ trợ người dân triển khai mô hình nuôi cá lồng trên sông. Từ việc nuôi thử nghiệm một vài lồng có hiệu quả, đến nay toàn xã đã phát triển được gần 100 lồng nuôi cá nước ngọt các loại như cá chình, trắm, mè, chép...
Trong đó, mô hình nuôi cá chình lồng phát triển nhiều và hiệu quả nhất với số lượng 25 lồng. Bình quân mỗi lồng cá chình nuôi được từ 200 đến 300 con. Cá chình lồng có thời gian nuôi khoảng 1 năm thì thu được từ 2 đến 4 tạ cá/lồng (thời điểm xuất bán cá chình đạt trọng lượng từ 2- 4 kg). Mỗi ki- lô- gam cá chình có giá giao động từ 400 đến 600 nghìn đồng thì bình quân hộ nuôi được 1 lồng với khoảng 300 con cho thu nhập ít nhất trên 100 triệu đồng. Ở thôn Văn Trị, có hộ nuôi 2 lồng cá với số lượng khoảng 700 con đã cho thu nhập sau khi trừ chi phí từ 200- 250 triệu đồng/ năm. Việc nuôi cá chình lồng mang lại thu nhập cao đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình ở xã Hải Tân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Tìm về nhà ông Lê Văn Bằng (thôn Văn Trị) nằm ở xóm ven sông Ô Lâu, chúng tôi rất bất ngờ trước ngôi nhà khang trang của gia đình ông. “Cũng nhờ cá chình cả đó. 10 năm trước đây, dù đã bôn ba khắp các con sông để đánh bắt cá nhưng tôi cũng chỉ đủ ăn, không làm nổi cái nhà để ở, con cái không được học đến nơi đến chốn. Nhưng từ ngày nuôi cá chình thì cuộc sống của gia đình tôi và nhiều gia đình khác đã trở nên khấm khá, ổn định hơn rất nhiều”, ông Bằng cho biết.
Dẫn chúng tôi ra thăm chiếc lồng nuôi cá chình đặt nổi lập lờ cạnh mép sông Ô Lâu, ông Bằng cho biết: “Năm nay gia đình tôi nuôi 2 lồng, thả trên 600 cá chình giống. Nếu cá phát triển tốt thì năm sau gia đình tôi đã có thu nhập trên 200 triệu đồng. Nuôi cá chình không sợ đầu ra, vì dù giá cá khá cao nhưng có chừng nào là bán hết chừng đó, phần lớn những mối thu mua cá chình phải đặt tiền cọc trước mới có cá để mua”.
Ngoài cá chình là mũi nhọn kinh tế của gia đình, mỗi vụ nuôi ông Bằng còn đầu tư thả thêm từ khoảng 300- 400 con cá trắm, 1.000 đến 1.500 cá rô phi đơn tính để tăng thêm thu nhập. Cũng nhờ chăm chỉ, mạnh dạn trong làm ăn mà gia đình ông Bằng từ hộ nghèo trở thành một trong những gia đình khá nhất của thôn.
“Ban đầu, khi thấy cán bộ huyện và xã về triển khai mô hình nuôi cá lồng trên sông tôi cũng đắn đo lắm, với địa thế của xã là vùng trũng, hàng năm lũ lụt triền miên thì làm sao mà nuôi cá trên sông được. Tuy nhiên sau khi được cán bộ xã động viên tôi đã tiến hành nuôi thử nghiệm 1 lồng cá chình trên sông, không ngờ hiệu quả mang lại rất cao. Chính vì vậy mà trong những năm qua tôi tiếp tục mở rộng mô hình nuôi cá lồng với đa dạng con nuôi. Cũng vì có thu nhập khá cao nên không chỉ gia đình tôi và nhiều người dân xóm ven sông ở đây rất phấn khởi, ai cũng hăng hái nuôi cá trên sông để làm giàu”, ông Bằng nói thêm.
Cách dãy lồng nuôi cá của ông Bằng không xa là những lồng nuôi cá nước ngọt trên sông của anh Phạm Văn Thiện. Anh Thiện đã đầu tư nuôi hàng nghìn con cá trắm, mè, rô phi đơn tính. Bên cạnh đó anh đầu tư 1 lồng nuôi cá chình, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng. “Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, phải chạy ăn từng bữa, nhưng nay thì không còn lo cái đói cái nghèo nữa vì mô hình nuôi cá lồng trên sông đã cho gia đình tôi thu nhập ổn định. Cũng nhờ vậy mà các con tôi đều được đi học, gia đình xây được căn nhà khang trang”, anh Thiện cho hay.
Ngoài thôn Văn Trị, nhiều hộ dân vạn đò khác ở các thôn Câu Nhi, Hà Lỗ, Văn Quỹ của xã Hải Tân cũng phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng trên các sông Ô Lâu, Ô Giang đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó góp phần nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, anh Bùi Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Tân cho biết: “Đối với một xã vùng trũng, có nhiều sông ngòi như Hải Tân thì việc phát triển mô hình nuôi cá lồng rất thích hợp. Đây là nghề mà bất cứ gia đình nào cũng có thể áp dụng được do kinh phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả cao. Hiện nay toàn xã Hải Tân có gần 100 lồng nuôi cá các loại trên sông.
Việc phát triển nuôi cá lồng đã giúp hơn 100 hộ từ nghèo đói, sống bấp bênh trên sông nước trở nên khá giả, ổn định cuộc sống, ngoài ra còn hạn chế được tình trạng người dân đánh bắt thuỷ sản theo kiểu tận diệt như dùng xung điện, thuốc nổ. Hiện chúng tôi đang tiếp tục khảo sát nhằm hỗ trợ đầu tư nâng cấp lồng nuôi, làm lồng nuôi mới, con giống cho các hộ nuôi cá lồng tại địa phương”.