Đã có không ít nông dân tưởng rằng việc tham gia vào dự án liên kết nuôi cá tra do ngành chức năng tỉnh An Giang phát động sẽ giúp thoát khỏi những khó khăn trong hàng chục năm qua... Ai ngờ giờ đây họ phải làm đơn cầu cứu gửi khắp nơi.
Dân tham gia vì lòng tin
Năm 2014, UBND tỉnh An Giang có quyết định phê duyệt cho vay dự án thí điểm chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo đó, dự án này có sự liên kết giữa nhiều hộ dân ở An Giang, Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Thuận An (Tafishco) có trụ sở tại thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang và phía ngân hàng cho vay. Đây được xem mô hình liên kết cá tra đột phá, có quy mô lớn ở miền Tây.
Nguyên tắc của chuỗi liên kết là ngân hàng giải ngân theo hóa đơn mua thức ăn nuôi cá của hộ dân. Sau thời gian nuôi, hộ dân phải bán cá cho Tafishco và công ty này có trách nhiệm phải trả vốn vay mua thức ăn trực tiếp cho phía ngân hàng, trả số tiền còn lại cho các hộ dân sau khi trừ tiền mua thức ăn trên.
Theo người dân, khi được phía Tafishco lựa chọn và được cung ứng thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, được ngân hàng cho vay theo hình thức tín chấp (90%), lãi suất thấp (chỉ 6,5%/năm, thấp hơn 0,5%/năm so với mức cho vay thông thường) nên họ rất mừng. Chính vì lòng tin trên, người dân đã mạnh dạn đầu tư, không còn lo lắng mà chỉ biết chăm sóc sao cho đàn cá phát triển tốt, tuân thủ theo đúng theo quy định của dự án. Họ tràn đầy hy vọng tìm ra một hướng đi mới, hiệu quả, giải quyết những nút thắt nan giải mà hơn 10 năm liên tiếp người nuôi cá tra gặp phải.
“Tham gia dự án, khi mình cần thức ăn, thuốc chữa bệnh... với số lượng bao nhiêu, chỉ cần gọi điện sẽ được đáp ứng ngay và còn được mua với giá rẻ hơn giá thị trường từ 300-500 đồng/kg. Khi thu hoạch, sản phẩm được công ty bao tiêu theo giá thị trường nên rất yên tâm” – ông Ngô Quang Đức (ấp Bình Tây 1, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho biết.
Anh Lê Trần Hữu (ấp Bình Yên, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) thì cho biết thêm: “Tham gia vào chuỗi liên kết, khi cá tới lứa thì được công ty đến thu mua liền, khỏi phải lo đi tìm thương lái như trước đây. Có lúc, gia đình tôi thu hoạch được hơn 1.700 tấn với giá bán 20.500 đồng/kg, trừ chi phí, lãi được từ 1.000-1.100 đồng/kg. Từ 1ha ban đầu tôi đã mở rộng lên 4ha. Phải nói thêm là nhờ được hỗ trợ nhiều khâu nên giá thành sản xuất giảm từ 500-600 đồng/kg”.
Theo phóng viên tìm hiểu, người dân luôn được phía Tafishco giới thiệu, quảng bá là đơn vị hoàn toàn chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, có kế hoạch sản xuất ổn định, bền vững, thỏa mãn được việc truy xuất nguồn gốc, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe ở các thị trường xuất khẩu khó tính. Vì vậy, công ty sẽ bao tiêu sản phẩm người dân với ưu đãi hợp lý nhất. Trước và trong khi dự án triển khai, người dân thường xuyên được mời hội thảo, được các cấp chính quyền thăm hỏi, động viên...
Nông dân An Giang đổ thức ăn cho cá tra. Ảnh: I.T
Đổ vỡ bởi chủ doanh nghiệp biến mất
Sau hơn 2 năm triển khai, người dân chưa kịp vui mừng khi dự án thí điểm hoạt động có hiệu quả thì lãnh đạo Tafishco là ông Nguyễn Thái Sơn – Chủ tịch Hội đồng thành viên và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh - Tổng Giám đốc đi Trung Quốc tham dự hội chợ nghề cá nhiều tháng trời không thấy trở về.
Theo đó, phía công ty cũng không thực hiện trả vốn vay mua thức ăn cho phía ngân hàng (khoảng 80 tỷ đồng của 9 hộ dân) và trả số tiền còn lại cho các hộ dân sau khi trừ tiền mua thức ăn cho cá như thỏa thuận… Lo lắng trước sự việc trên, người dân đã làm đơn trình báo đến cơ quan công an tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan để nhờ hỗ trợ điều tra, giúp đỡ.
Trong đơn tập thể gửi các cơ quan chức năng, những hộ dân viết: “Chúng tôi tha thiết đề nghị các cấp các ngành nhanh chóng giải quyết giúp vì chúng tôi bị bỏ rơi giữa chừng, bị gánh chịu hậu quả khi có sự cố xảy ra. Thật quá bất công mặc dù chúng tôi không làm gì sai”.
Ông Nguyễn Văn Tấn – một hộ dân tham gia dự án, bức xúc: “Lãnh đạo công ty này không còn ở Việt Nam, có dấu hiệu bỏ trốn, tiền thức ăn vẫn chưa trả cho ngân hàng nên đơn vị này đã quay sang đòi chúng tôi mặc dù theo hợp đồng ký kết, khi bán cá cho Tafishco thì coi như nông dân đã thực hiện xong phần trách nhiệm của mình khi lấy thức ăn nuôi cá. Riêng gia đình tôi đầu tư nuôi 2,8ha, vốn đầu tư khoảng 21 tỷ đồng. Khi chủ doanh nghiệp này lấy cá rồi bỏ đi, không thực hiện trả tiền đã khiến gia đình tôi lao đao, không còn vốn tái sản xuất”.
Mới đây, sau khi những hộ dân tham gia dự án gửi đơn cầu cứu lần 5 và có ý kiến của Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập tổ xử lý xây dựng phương án thu hồi nợ trong chuỗi và xem xét xử lý những khó khăn của từng hộ dân. Hiện Công an tỉnh An Giang đã vào cuộc để xác minh làm rõ vụ việc. Phía ngân hàng cho vay cũng đã khởi kiện Tafishco và ngay sau đó, TAND tỉnh An Giang cũng đã ra quyết định phong tỏa tài sản của công ty này. Theo đơn khởi kiện của ngân hàng, phía ngân hàng yêu cầu Tafishco phải thanh toán số tiền nợ vay tính đến ngày 29.12.2016 là trên 492 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Nưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Lúc lựa chọn đơn vị tham gia, Tafishco có đủ năng lực, nhưng có thể gặp khó khăn trong quá trình hoạt động nên mới xảy ra tình trạng như hiện nay”.