Cá hoàng đế có tên khoa học là Cichla ocellaris, nguồn gốc từ Nam Mỹ. Bản tính ăn tạp và tốc độ sinh sản nhanh, cá hoàng đế khi xuất hiện đã gây “chấn động lớn” cho vùng lòng hồ Trị An (Đồng Nai).
Lòng hồ “dậy sóng”
Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là khu bảo tồn) là đơn vị quản lý 32.400 ha mặt nước hồ Trị An. Ông Nguyễn Hữu Phước, Hạt phó Hạt kiểm lâm (thuộc khu bảo tồn) kể, khoảng năm 2006 cá hoàng đế xuất hiện ở hồ Trị An.Chỉ trong thời gian ngắn, loài cá này đã sinh sôi nảy nở và nhanh chóng chiếm lĩnh khắp vùng hồ rộng lớn. “Thấy cá lạ, thả lưới dính rất nhiều nhưng ngư dân cũng chỉ gỡ rồi ném đi chứ không dám mang về ăn. Cá có màu vàng khá rực rỡ nên người ta gọi tên là cá hoàng đế, riết dần thành quen”, ông Phước cho biết.
Cá hoàng đế có màu vàng nhạt, miệng rộng, trên lưng có ba sọc màu đen, ở đuôi có một chấm đen khá lớn, bao quanh là một vòng màu vàng giống lông chim công. Cá hoàng đế sinh sản hữu tính, mỗi lần đẻ 2.000 - 3.000 trứng, có sức chịu đựng cao với mọi môi trường thời tiết.
Chúng thường đi săn theo bầy hàng ngàn con, tốc độ truy đuổi nhanh và ăn tạp, nên được ngư dân xem là “hung thần” của các loài cá nhỏ như: mè dinh, cá cơm, cá linh, cá lòng tong... “Tôi đã từng kiểm tra răng và mổ cá hoàng đế để xem thì thấy cấu trúc bao tử và ruột cá rất ngắn, giống với loại cá ăn động vật. Trong bao tử cá hoàng đế khi mổ ra vẫn thường có cá nhỏ chưa được tiêu hóa hết”, ông Phước nói.
Con cá hoàng đế mà ngư dân Nguyễn Văn Long đánh bắt được
Lúc bấy giờ, thông tin về loài cá lạ xâm chiếm lòng hồ gây xôn xao và dấy lên lo ngại việc cá hoàng đế sẽ hủy hoại môi trường sinh thái ở hồ Trị An. Nhiều người còn cho rằng đây là loại cá hổ Piranha ở Nam Mỹ, chuyên ăn thịt và có sức tàn phá khủng khiếp. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra. Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai cũng tổ chức đoàn đi khảo sát và tìm được người phát tán con cá hoàng đế ra hồ.
Theo đó, một người tên Nghĩa ở xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu), nhập cá hoàng đế từ TP.HCM về nuôi ép trong bè trên lòng hồ Trị An để bán cá cảnh. Trong quá trình nuôi, một số con nhỏ, quặt quẹo bị người này tiện tay vứt ra bên ngoài. “Không ngờ loại cá này hợp với môi trường bên ngoài nên sinh sôi, phát triển rất nhanh như vậy”, ông Phước nói.
Sau đó một số ngư dân bắt cá hoàng đế làm thịt ăn và truyền tai nhau rằng cá khá ngon, có nhiều thịt, không có xương dăm nên việc đánh bắt loài cá này bắt đầu trở nên rầm rộ. Hằng ngày, mỗi ghe có thể bắt được cả chục ký cá hoàng đế.
Cá hoàng đế có trọng lượng trung bình khoảng 0,5 - 1 kg, con lớn nhất ngư dân bắt được nặng hơn 2 kg, đầu gù đầu lên như cá la hán. Thời điểm bấy giờ, ra các bến cá và chợ ở địa phương đâu đâu cũng có thể bắt gặp cá hoàng đế. Giá cá hoàng đế cũng đắt hơn cá mè dinh, cá rô phi, loại vừa từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, loại lớn từ 60.000 - 70.000 đồng/kg.
Không chỉ có ngư dân, mà dân câu cá giải trí từ khắp nơi cũng đổ xô về hồ Trị An để câu cá hoàng đế vì loại này dễ câu, nhất là dùng mồi sống như tép, cá chép nhỏ. Ngoài ra, các loại lưới kéo, lưới bén, lờ tép hay lờ cá rô cũng bắt được cá hoàng đế.
Ghe, thuyền của ngư dân cập bến Phú Cường (H.Định Quán) bán cá, tôm sau một đêm đánh bắt
Dần vắng bóng
Nay, hỏi về cá hoàng đế, ngư dân Nguyễn Văn Long (47 tuổi, ngụ xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất, Đồng Nai), người gắn bó cả đời với nghề chài lưới trên lòng hồ Trị An thở dài, nói: “Cá hoàng đế giờ hết rồi, lâu lâu mới bắt được vài con thôi”.
Ông Long kể: “Ngày trước cá hoàng đế dày đặc mặt hồ. Có hôm tôi kéo lưới gặp trúng bầy cá hoàng đế, con mới nhỏ chỉ bằng ngón tay mà cả đàn cá nặng tới cả tạ. Cá hoàng đế dễ ăn mồi, cứ thả mồi xuống là nó ăn không kịp gỡ. Người đi câu gặp đúng chỗ thì giật mỏi tay, một tiếng cũng được vài chục ký cá”.
Từ bến Thánh Tâm (xã Gia Tân 1), chiếc ghe của ông Long nổ máy đưa chúng tôi đi thăm lưới để tìm cá hoàng đế. Gần 3 tiếng lòng vòng quanh hồ, kiểm tra cả trăm mét lưới, hàng loạt lợp cá rô phi, lợp tôm của gia đình mà chẳng thấy bóng dáng con cá hoàng đế nào. Ghe tới đâu ông Long cũng hỏi bạn chài xem có bắt được cá hoàng đế không nhưng chỉ nhận lại những cái lắc đầu. Ông Long tiếp tục đánh tay lái, hướng mũi ghe đưa chúng tôi vào bến cá Phú Cường (xã Phú Cường, H.Định Quán) với hy vọng tìm được cá hoàng đế.
Bến cá Phú Cường là một trong những bến cá lớn của hồ Trị An. Mỗi ngày bến này xuất đi gần 20 tấn cá các loại cho khắp các chợ ở Đồng Nai và TP.HCM. Rảo khắp bến cá, chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu của các chủ vựa. “Bữa nay không có cá hoàng đế đâu. Mấy năm nay cá hoàng đế gần như mất hẳn, có đánh bắt được nhiều nữa đâu mà mua với bán”, một chủ vựa buông lời.
Các chủ vựa cho hay, trước đây cá hoàng đế nhiều, thuyền, ghe đánh bắt mang lên bán tấp nập. Có ngày chủ vựa thu mua tới 3 tạ cá, giá cá cũng cao nên buôn bán cũng có lời lắm. “Cá hoàng đế ăn tạp, mồi gì thả xuống cũng ăn. Trong khi người đánh bắt ngày càng nhiều, các loại ngư cụ ngày càng hiện đại và quy mô lớn, đêm ngày càn quét thì cá gì mà chẳng hết”, ông Long phân tích.
Ông Chín, một cần thủ thường xuyên ở hồ Trị An nói: “Trước đây câu cá hoàng đế sướng lắm. Cá nhiều, nổi lên đớp bóng râm ran mặt nước, mồi gì nó cũng ăn, câu một lúc là có vài ký. Giờ mồi “xịn” là cá chép nhật mà tôi ngồi đồng từ sáng đến giờ mới dính được hai con. Chỉ thấy cá mè dinh ăn mồi thôi”.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, khi cá hoàng đế ra ngoài và phát triển dưới hồ Trị An thì cũng chưa có cơ quan khoa học nào khảo sát đánh giá tác động của nó với môi trường tự nhiên. “Gần 10 năm xuất hiện trên hồ Trị An, tôi thấy cá hoàng đế cũng tương đối hòa thuận với cá bản địa. Ngoài ra đây cũng là nguồn thu nhập khá của người dân. Đến nay, người dân đánh lưới, đi câu vẫn còn bắt được cá hoàng đế nhưng số lượng giảm rất nhiều so với lúc trước”, ông Phước nói.
Hiện nay trên lòng hồ Trị An có hơn 1.150 hộ dân đăng ký khai thác thủy sản. Mỗi năm sản lượng đánh bắt từ hồ Trị An khoảng 5.000 tấn cá các loại, trong đó nhiều nhất là cá cơm, cá mè dinh, cá chép.