Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, thời gian gần đây nhiều nông dân ở Đồng Tháp đã thả nuôi kết hợp thành công cá heo nước ngọt và cá chạch lấu trong ao đất. Mô hình nuôi thủy sản kết hợp này không những giúp nông dân giải quyết bài toán về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp mà còn là mô hình kinh tế mới giúp nhiều nông dân làm giàu.
Những năm gần đây dưới tác động của biến đổi khí hậu mô hình nuôi tôm càng xanh ở huyện Cao Lãnh đã bộc lộ nhiều hạn chế và không còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Vì vậy, nông dân đã bắt đầu chuyển đổi sang thả nuôi nhiều loại thủy sản khác như cá điêu hồng, ếch, cá sặt rằn, cá tra... Gia đình ông Đinh Văn Trưng ngụ xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh (người có thâm niên hơn 15 năm nuôi tôm càng xanh) đã quyết định chọn một hướng phát triển mới - nuôi thử nghiệm cá chạch lấu kết hợp với cá heo nước ngọt trong ao đất và bước đầu có hiệu quả khả quan.
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với con cá chạch lấu và cá heo, ông Đinh Văn Trưng nhớ lại: “Cuối năm 2019, sau nhiều năm gắn bó, tôi nhận thấy con tôm càng xanh đã không còn thích hợp với vùng đất Nhị Mỹ do những năm gần đây lũ thấp và thất thường, dịch bệnh trên tôm càng xanh ngày càng khó kiểm soát. Sau thời gian tìm hiểu, tôi thấy nhu cầu của thị trường với cá heo và cá chạch lấu rất cao nên tôi tìm kiếm những giống cá quý này để thả nuôi”.
Năm 2019 ông Đinh Văn Trưng nuôi thử nghiệm 5.000 con cá chạch lấu và gần 60kg cá heo. Sau hơn 10 tháng thả nuôi ông Trưng thu hoạch và bán cá được khoảng 400 triệu đồng/ha, sau khi khấu trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình ông Trung thu lời trên 150 triệu đồng.
So với những loại thủy sản khác, cá chạch lấu và cá heo có thời gian nuôi khá dài từ 9-10 tháng mới thu hoạch, bình quân sau gần một năm thả nuôi cá chạch lấu có thể đạt trọng lượng từ 0,5-1kg/con. Với giá thị trường hiện tại cá chạch lấu loại đặc biệt có trọng lượng từ 0,5kg/con trở lên có giá bán tại ao khoảng 350.000 đồng/kg. Cá heo loại đặc biệt cũng có giá dao động từ 250.000-300.000 đồng/kg. Do hiện nay 2 loại cá này ngoài tự nhiên đang khan hiếm nên hầu hết sản lượng cá nuôi của nông dân tại địa phương đều có thương lái đến thu mua và phân phối tại các nhà hàng lớn tại TP Hồ Chí Minh.
Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo giúp nông dân làm giàu.
Ngoài xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh hiện nay một số nông dân ở các vùng chuyên canh nuôi thủy sản khác của Đồng Tháp cũng chuyển sang phát triển mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo. Điển hình là huyện Tam Nông, hiện toàn huyện Tam Nông có khoảng trên 20ha chuyển đổi từ nuôi các loại thủy sản khác sang thả nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo. Với việc đầu tư quy trình nuôi chuyên nghiệp, hiện mô hình mới này đem lại lợi nhuận bình quân cho nông dân khoảng trên 500 triệu đồng/ha. Đây được xem là một trong những mô hình chuyển đổi giúp nâng cao thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.
Để phát triển mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo hiệu quả, theo Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, khi nuôi cá heo kết hợp với cá trạch lấu trong ao đất nông dân cần chú ý tạo được môi trường nuôi gần giống với môi trường tự nhiên. Trong đó việc tạo dòng chảy liên tục và tạo môi trường nước sạch là quan trọng. Việc tạo dòng chảy đối lưu trong ao và thay nước sạch liên tục sẽ giúp cá khỏe và mau lớn hơn. Cá chạch lấu và cá heo là 2 loại thủy sản ưa đạm cao, do đó để thả nuôi hiệu quả nông dân có thể lựa chọn những loại thức ăn thủy sản có tỷ lệ đạm cao hoặc có thể tự phối trộn thức ăn từ cá mồi và thức ăn công nghiệp để tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, cá chạch lấu đã được cho sinh sản nhân tạo thành công nên người nuôi chủ động được nguồn con giống trong chăn nuôi. Riêng đối với cá heo do chưa được cho sinh sản nhân tạo, nông dân chủ yếu thu hoạch giống từ tự nhiên nên vẫn còn khó khăn khi tăng quy mô nuôi. Vì vậy, trong quá trình thả nuôi cá heo, nông dân cũng cần lưu ý kiểm soát chất lượng của nguồn cá giống, chọn nguồn cung cấp con giống đầu vào là những nhà cung cấp giống uy tín; thả nuôi với mật độ vừa phải để hạn chế hao hụt trong quá trình nuôi.