Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), rong xanh họ Cladophoraceae được tìm thấy quanh năm trong các thủy vực nước lợ (ao quảng canh, quảng canh cải tiến, thủy vực tự nhiên, kênh nước thải,…) với số lượng lớn và có giá trị dinh dưỡng cao.
Ở Việt Nam, rong xanh phân bố ở các thủy vực nước lợ của Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang (Nguyễn Văn Tiến, 2007). Ở ĐBSCL, rong xanh xuất hiện quanh năm, thường phát triển đồng thời với rong bún, rong lam hoặc xen kẽ nối tiếp nhau ở các thủy vực nước lợ, ao, đầm quảng canh.
Rong xanh. Ảnh: Algaebase
Thành phần dinh dưỡng của rong xanh (Cladophoraceae) giàu các chất dinh dưỡng như hàm lượng protein, carbohydrate, astaxanthin, acid amin thiết yếu, là thức ăn thích hợp cho các loài cá có tính ăn thiên về thực vật. Rong xanh được sử dụng làm nguồn protein thay thế bột cá trong thức ăn viên cho cá rô phi đến 50% và khả năng tiêu hóa protein rong xanh đạt 93,9% (Appler và Jauncey, 1983). Nghiên cứu khác cho thấy protein bột rong xanh (Cladophoraceae) có thể thay thế đến 30% protein bột cá trong thức ăn viên cho cá tai tượng (Osphronemus goramy) giống (Nguyễn Thị Ngọc Anh và ctv., 2014a) và 40% protein bột đậu nành trong khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) tăng trưởng của tôm tốt hơn so với tôm được cho ăn thức ăn không chứa bột rong xanh (Nguyễn Thị Ngọc Anh và ctv., 2014b)
Thay thế một phần thức ăn bằng Rong Xanh cho cá rô phi
Thí nghiệm gồm 7 nghiệm thức với 3 lần lặp lại và được bố trí ngẫu nhiên, cá thí nghiệm được cho ăn luân phiên thức ăn viên và rong xanh tươi hoặc rong xanh khô với tần suất cho ăn ở các nghiệm thức như sau:
Nghiệm thức 1: Thức ăn công nghiệp mỗi ngày (thức ăn đối chứng, TA)
Nghiệm thức 2: Rong mền tươi mỗi ngày (RXT)
Nghiệm thức 3: Rong mền khô mỗi ngày (RXK)
Nghiệm thức 4: 1 ngày rong mền tươi_1 ngày thức ăn viên (1RXT_1TA)
Nghiệm thức 5: 1 ngày rong mền khô_1 ngày thức ăn viên (1RXK_1TA)
Nghiệm thức 6: 2 ngày rong mền tươi_1 ngày thức ăn viên (2RXT_1TA)
Nghiệm thức 7: 2 ngày rong mền khô_1 ngày thức ăn viên (2RXK_1TA)
Cá thí nghiệm được cho ăn thỏa mãn 2 lần/ngày vào lúc 8:00 và 17:00 giờ. Rong xanh được cắt thành đoạn ngắn 2 – 3 cm trước khi cho ăn. Thức ăn và rong thừa được kiểm tra và thu sau 1 giờ cho ăn. Bể nuôi được thay nước 1 lần/tuần, khoảng 30% thể tích nước trong bể. Thời gian thí nghiệm được tiến hành 60 ngày.
Kết quả
Sau 60 ngày nuôi, tỉ lệ sống của cá không bị ảnh hưởng bởi thức ăn, dao động 93,3-98,3%. Tốc độ tăng trưởng của cá cho ăn luân phiên 1 ngày rong xanh tươi/khô_1 ngày thức ăn viên không khác biệt.
Áp dụng cho ăn luân phiên rong xanh và thức ăn, lượng thức ăn viên có thể được giảm từ 29,6% đến 38,6% đồng thời chất lượng nước tốt hơn so với nghiệm thức đối chứng.
Thành phần sinh hóa thịt cá cho thấy hàm lượng lipid giảm trong khi hàm lượng nước, protein và tro không khác biệt giữa các nghiệm thức.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rong xanh tươi/khô có thể được sử dụng làm nguồn thức ăn thay thế một phần thức ăn thương mại để nuôi cá rô phi góp phần giảm chi phí cho người nuôi.
Theo khảo sát của Romana-Eguia et al. (2013), chi phí thức ăn nuôi cá rô phi thương phẩm chiếm trung bình 63% tổng chi phí sản xuất, trong đó chi phí thức ăn công nghiệp chiếm khoảng 90% chi phí thức ăn. Do đó, sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp hay các loại thức ăn có nguồn gốc từ thực vật (rong biển, thực vật thủy sinh…) để bổ sung hoặc thay thế một phần thức ăn thương mại trong nuôi cá rô phi giúp giảm chi phí thức ăn và nâng cao lợi nhuận.
Tạp chí khoa học đại học cần thơ, tập 50, phần B (2017)