Mùa “săn” cá ngát sông thường rộ vào thời điểm này kéo dài đến tháng 2, tháng 3 dương lịch năm sau, đây là mùa sinh sản của cá ngát. Lúc này, nhiều thanh niên bắt đầu nghề "săn" (còn gọi là thụt) cá ngát, mỗi lần đi thụt cá ngát có khoảng 5 thanh niên trai tráng, sức khoẻ tốt, chịu lạnh và có kỹ năng lặn tốt.
Cá ngát thường được ngư dân “săn” ở sông Cửa Lớn, cửa biển Bồ Đề…
Anh Huỳnh Văn Đức, ấp Đường Đào, xã Tam Giang Tây được mệnh danh là “sư phụ” của nghề thụt cá ngát, bởi anh có hơn 10 năm kinh nghiệm làm nghề này. Anh Đức tâm sự: “Trước khi đi “săn” cá ngát phải chuẩn bị cây dài để cặm hang, cây thụt, kềm để bẻ gai cá, vợt…, đồ nghề chủ yếu tự làm. Rồi phải xem con nước, chủ yếu đi nước “xổ”, đợi đến nước ròng thì khởi hành, mỗi đợt kéo dài từ 5-6 tiếng đồng hồ”.
Ngư dân dùng hết sức lực để thụt hang cá ngát nhằm đẩy cá vào vợt.
Cá ngát sông thường sống trong hang, cách mặt nước từ 3-4 m, mỗi hang thường có 1 hang cái và 3-4 hang ngách; đòi hỏi người “săn” cá ngát phải mò từng hang thật chính xác, nếu không, trong quá trình thụt, cá ngát sẽ thoát ra ngoài. Anh Giang cho biết: "Khi tìm được hang thì mình đặt vợt trùm hang ngách và dùng cây thụt lấy hết sức để thụt hang cái, cá ngát sẽ bị đẩy vào vợt, lúc này mình kéo cá ngát lên xuồng".
Khi mò được hang cá ngát, người dân sẽ dùng vợt tự chế để chặn các hang ngách, không cho chúng chạy thoát.
Thời điểm thích hợp để “săn” cá ngát là ngày 29, 30 âm lịch. Mỗi chuyến đi của những thanh niên này kéo dài từ nước ròng đến nước lớn. Mùa này là mùa sinh sản nên mỗi hang sẽ có 1 cặp cá (cá cái sẽ có trứng), trung bình thu hoạch trên 15 kg cá, bán cho bà con trong xóm và thương lái với giá từ 80.000-100.000 đồng/kg, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều ngư dân.