Sản lượng tôm của Indonesia năm 2012 đã tăng 4% so với năm 2011, và nếu hoàn thành mục tiêu năm nay thì ngành tôm sẽ đạt mức tăng kỷ lục 46,2%.
Chương trình nuôi tôm thí điểm của MAAF - được triển khai năm 2012 tại 6 khu vực ven biển ở Tây Java và Banten đạt hiệu quả cao - sẽ được mở rộng trong năm nay tại 28 khu vực khác thuộc 6 tỉnh gồm Trung Java, Đông Java, Nam Sulawesi, Tây Nusa Tenggara và Lampung.
Ông Soebjakto bày tỏ tin tưởng hoàn toàn có thể đạt và vượt mục tiêu trên khi sản lượng tôm sáu tháng đầu năm nay đã đạt 320.000 tấn. Trong khi đó, nhu cầu trên thị trường thế giới đang gia tăng và nhất là mới đây Bộ Thương mại Mỹ đã ra phán quyết tôm xuất khẩu của Indonesia vào nước này không phải chịu thuế chống phá giá. Hơn nữa, Indonesia có rất nhiều lợi thế lớn khi là một quốc gia quần đảo.
Theo MAAF, với 1,2 triệu ha mặt nước tiềm năng cho nuôi trồng tôm, trong đó diện tích có hiệu quả chiếm tới 773.000 ha, Indonesia có thể vượt qua các đối thủ láng giềng như Thái Lan, Việt Nam và Malaysia để trở thành nước sản xuất và xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới.
Ông Soebjakto cũng nhận định cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu tôm rất gay gắt. Do đó, Chính phủ Indonesia sẽ chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành này, cung cấp các chính sách và biện pháp hỗ trợ cần thiết, nhất là về mặt áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi trồng thủy sản để cải thiện năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững./.