Gia đình ông Trần Văn Nam (ở xã Hòa Lạc, Phú Tân) là một trong số những hộ nuôi cá tra theo phong trào trên địa bàn tỉnh. Tháng 10-2018, thấy giá cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu lên tới mức 36.000 đồng/kg, ông mượn vốn của người thân, đào ao nuôi 2ha cá tra thịt. Thời điểm ông đầu tư nuôi cá tra chính là lúc hàng loạt người “nhảy vào” nuôi cá tra, vì vậy để có 1ha mặt nước, ông phải đầu tư đến 6 tỷ đồng. Tổng vốn cho 2ha mặt nước nuôi cá tra thịt 12 tỷ đồng. Sau 8 tháng nuôi, đến nay cá đã tới lứa thu hoạch nhưng các công ty xuất khẩu không “dòm tới”, vì giữa ông và các công ty chẳng có một hợp đồng nào ràng buộc trong tiêu thụ sản phẩm. “Đây là thời điểm khó khăn nhất của gia đình. Cá rớt giá nhưng hàng ngày vẫn phải đổ thức ăn xuống ao cho cá ăn. Từ tháng 4-2019, giá cá tra bất ngờ “lao dốc”, vì vậy 1.200 tấn cá đành phải mang ra bán cá chợ. Các công ty chế biến cá tra xuất khẩu hiện nay chỉ bắt cá nhà để làm, không mua cá bên ngoài” - ông Nam thông tin.
Ngoài hộ nuôi cá tra thịt, ngư dân nuôi cá tra giống (không có hợp đồng bao tiêu) cũng gặp khó về đầu ra. Tình hình này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất mà hội nghị “Triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019” được tổ chức tại An Giang vào ngày 18-2-2019 vừa qua đặt ra. Theo đó, năm 2019, toàn ngành phấn đấu sản lượng nuôi cá tra thương phẩm đạt 1,51 triệu tấn, tăng 6,6% so năm 2018. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng 12% so năm 2018.
Tương tự như cá tra, mặt hàng lúa, gạo cũng gặp khó. Hiện ở thời điểm này, vụ lúa hè thu trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thu hoạch. Nếu vụ đông xuân trước, giá lúa IR 50404 ở mức thấp thì vụ hè thu này, giá lúa chẳng được cải thiện, từ đó làm nông dân kém vui. “Vụ hè thu này, lúa trên đồng tiếp tục rớt giá. Hiện nay, lúa IR50404 dưới 5.000 đồng/kg, trong khi đây là vụ thu hoạch cho năng suất thấp” - bà Trần Thị Lệ (xã Long An, TX. Tân Châu) thông tin.
Sản xuất cá thể, nông dân trồng nếp, lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu đang gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm
Từ đầu năm 2019 đến nay, các thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam với số lượng lớn (Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) gia tăng bảo hộ nông sản trong nước thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, vì vậy nông sản Việt Nam gặp khó về đầu ra và cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác. Tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức thấp, các quốc gia trên phạm vi toàn cầu tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, một mặt để đảm bảo an ninh lương thực, một mặt để bảo hộ hàng hóa trong nước, vì vậy các quốc gia mua hàng với số lượng lớn đã đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất. Ngay thị trường Trung Quốc, từ trước đến giờ được xem là thị trường “dễ tính”, nay đã yêu cầu nông sản của nông dân muốn vào thị trường này phải có mã số vùng trồng để kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc (trái xoài), riêng mặt hàng nếp, khi vào thị trường này phải chịu mức thuế 50%.
Lúa, cá tra, cây ăn trái muốn nâng cao chất lượng, sản xuất với số lượng lớn để bán không có con đường nào khác là phải đi vào con đường làm ăn hợp tác, thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới, bởi đây được xem là giải pháp mang tính đột phá để phát triển nông nghiệp. Thực tiễn đã chứng minh, hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, không liên kết với nhau để vào một tổ chức như tổ hợp tác hoặc hợp tác xã thì chi phí sản xuất của họ rất cao vì phải mua vật tư giá cao, sản phẩm bán ra thấp vì bà con không có tổ chức, không tận dụng được “quyền đàm phán” khi mua hoặc bán sản phẩm. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún khó áp dụng các chương trình, quy trình sản xuất hoặc các tiêu chuẩn mà các quốc gia nhập khẩu đưa ra.
“Để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ tiếp tục vận động thành viên tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng để chất lượng sản phẩm được nâng lên. Vận động số nông dân bên ngoài đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua tổ liên kết và hợp tác xã. Đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân hiểu rõ hơn bản chất và vai trò tất yếu của kinh tế hợp tác trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới như hiện nay”- TS Đào Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh thông tin.