Theo báo cáo tại Hội nghị, giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2011-2013 của ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân 4,85%/năm, trong đó giá trị sản xuất trong khai thác đạt 5,94%/năm. Giá trị tổng sản phẩm thủy sản (GDP) đạt tốc độ tăng 3,66%/năm. Tổng sản lượng thủy sản năm 2013 đạt 5,9 triệu tấn (trong đó sản lượng khai thác đạt 2,7 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 3,2 triệu tấn) góp phần tạo nên tốc độ tăng tổng sản lượng bình quân đạt mức 4,80%/năm, trong đó tốc độ tăng sản lượng khai thác đạt 3,91%/năm, nuôi trồng 5,57%/năm.
Việt Nam trở thành nước đứng đầu về sản lượng cá tra, đứng thứ 3 thế giới về sản lượng tôm (trong đó năm 2013 đứng đầu thế giới về sản lượng tôm sú), thuộc nhóm 4 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Đến nay, sản phẩm thủy sản đã có mặt tại hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó tôm đã có mặt tại 92 thị trường, cá tra có mặt 142 thị trường, cá ngừ 90 thị trường), thị phần chính là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2013 đạt 6,7 tỷ USD.
Tính đến hết năm 2013, các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt so với mục tiêu đặt ra đến năm 2015 trong chiến lược. Tuy nhiên, phát triển thủy sản chưa được bền vững, tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp, hiệu quả khai thác hải sản chưa cao, thu nhập của lao động nghèo trong ngành thủy sản chưa có sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng nông thôn mới. Mức độ chuyển dịch cơ cấu nội ngành trong giai đoạn 2010-2013 còn chậm, tỷ lệ tàu cá công suất nhỏ còn lớn.Chưa tạo được liên kết trong chuỗi sản xuất, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia và chỉ dẫn địa lý với sản phẩm thủy sản chủ lực còn nhiều hạn chế.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã nhận định, trong 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được 3 kết quả nổi bật: Thứ nhất, ngành thủy sản đã có được sự đổi mới về tư duy, nhận thức, phát triển theo hướng tăng mạnh về số lượng và chất lượng sản phẩm. Trong chỉ đạo điều hành cũng có sự thay đổi tích cực đem lại hiệu quả cao. Thứ hai, sau 3 năm thực hiện Chiến lược, ngành thủy sản cơ bản đã hoàn thiện được thể chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản mà trước đây chưa có như ban hành một số Nghị định thực thi Luật Thủy sản, các thông tư quản lý về giống, thực hiện quy chuẩn VietGAP được quốc tế đánh giá cao… Thứ ba, đạt được kết quả cao trong thực hiện các chỉ tiêu sản xuất thủy sản, cụ thể: tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản đạt 4,80%/năm (mục tiêu đặt ra: 2,66%/năm), tốc độ gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 10,21%/năm (mục tiêu đặt ra 5,39%/năm)…
Theo Thứ trưởng, ngành thủy sản hiện đang tồn tại một vấn đề trăn trở, đó là vấn đề thu nhập của ngư dân và điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác còn chưa tốt. Trong thời gian tới, ngành thủy sản xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược, đặc biệt là đối với đề án tái cơ cấu ngành thủy sản. Quan tâm hơn nữa đến thu nhập của người dân thông qua các giải pháp nâng cao giá trị cũng như hiệu quả sản xuất thủy sản. Đặt ra vấn đề trọng tâm trong sản xuất thủy sản là hướng tới tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, trong khai thác tập trung khai thác xa bờ, đặc biệt sẽ quan tâm tới phát triển thủy sản vùng Duyên hải miền Trung.