Theo nhận định của ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm chết hàng loạt như hiện nay là do bà con chưa tuân theo lịch thời vụ; thả tôm không đồng loạt; xử lý nước chưa đúng quy trình do ngành chức năng khuyến cáo.
Ông Nguyễn Văn Thi (ở ấp Xẻo Su, xã Lai Hòa, TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) người có thâm niên nuôi tôm trên 10 năm nay cho biết: “Nhà tôi có 12 đầm nuôi tôm với diện tích hơn 2 hecta. Năm 2013, gia đình tôi thả 2 vụ thẻ gần 5 triệu con tôm giống, trừ hết chi phí con giống, thức ăn, thuốc, vôi lời được 420 triệu đồng. Nhưng 3 năm nay (2014 - 2016) liên tục bị lỗ vốn, không hiểu nguyên nhân vì sao tôm cứ vào khoảng 40 – 45 ngày thì bị chết trắng, thu được 2 – 3 ao, còn lại bị chết trắng. Hiện tại gia đình tôi đang phơi ao, chưa dám lấy nước vô thả lại vì sợ nó lại chết như mấy lần trước thì khổ lắm”.
Còn chị Hứa Thị Hoa (ở ấp Điền Giữa, xã Vĩnh Tân, Vĩnh Châu, Sóc Trăng) thì nói trong sự chán nản: “ Ban đầu tôi mướn xe ủi ngăn làm 2 ao, mua quạt, mô tơ, giảm chi phí hết cũng gần 15 triệu đồng. Lấy nước vô xử lý xong đến lúc thả giống xuống ao vợ chồng tôi rất mừng vì chọn được đàn tôm khỏe mạnh. Sau đó, tôm nuôi được khoảng 40 ngày thì có hiện tượng tôm bỏ ăn và chết hàng loạt, không kịp kéo. Chồng tôi mới đem con tôm chết lại cửa hàng Việt Dũng nhờ kỹ sư xem giúp. Sau khi xem, kỹ sư cho biết tôm của tôi bị bệnh gan tụy. Vậy là, thiệt hại hoàn toàn. Giờ muốn thả lại cũng không còn vốn để thả”.
Cùng chung cảnh ngộ với ông Thi, chị Hoa, đầm tôm của anh Trần Văn Thanh (ở ấp Năm Căn, xã Lai Hòa, Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cũng bị bỏ trắng 2 năm nay. “Hiện tại, tôi đã xử lý nước xong nhưng chưa dám thả giống vì sợ tôm chết nữa”, anh Thanh buồn bã nói.
Được biết lịch thời vụ của Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư thị xã Vĩnh Châu khuyến cáo, thời điểm thích hợp nhất để xuống giống là từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch. Theo khuyến cáo ngành Khuyến nông vào thời điểm này, bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa, thời tiết sẽ bớt nắng nóng làm cho không khí trở nên mát mẻ. Đây chính là điều kiện lý tưởng nhất để bà con nông dân bắt đầu xuống giống.
Để hạn chế tình trạng tôm chết hàng loạt như hiện nay bà con nông dân không nên tiếp tục xuống giống, nên ủi và phơi ao để hạn chế mầm bệnh phát triển. Bên cạnh đó, người nuôi cần phải tuyệt đối tuân thủ theo lịch thời vụ đã được khuyến cáo, đồng thời kiểm tra chặt chẽ môi trường nước bên ngoài trước khi lấy vào ao nuôi.