Thị xã Vĩnh Châu có diện tích thiệt hại cao nhất 4.867 ha, chiếm khoảng 28% diện tích thả nuôi, có nơi thiệt hại lên đến 39% như ở phường Vĩnh Phước, xã Vĩnh Tân. Hộ anh Võ Hồng Lâm ở khóm Tân Quy, phường Vĩnh Phước có 13 ao nuôi, trên tổng diện tích 3 ha, tôm nuôi ở giai đoạn từ 20 ngày đến 1 tháng tuổi bị chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Anh Lâm cho biết: “Lúc này mưa nhiều nên xuất hiện nhiều dịch bệnh trên con tôm. Gia đình tôi có 6 ao nuôi, nhưng tôi không thả giống đồng loạt mà thả rải ra, đầu vụ thả 1 ao, sau 1 tháng nuôi thấy ổn thì thả ao kế tiếp. Hiện tôi bị thiệt hại hết 2 ao do tôm bị bệnh gan tụy, các ao này tôi chưa dám thả giống lại. Vụ nuôi tôm năm nay tôi cũng áp dụng các kỹ thuật cải tạo ao, diệt mầm bệnh, chọn con giống và chăm sóc kỹ như mọi năm, nhưng do mưa nhiều và kéo dài nên tôm bị đâm đầu vào bờ. Tôi cũng đánh thuốc như không hiệu quả”.
Người nuôi tôm chia sẻ tình hình dịch bệnh trên tôm cùng cán bộ kỹ thuật.
Qua kiểm tra của Trạm khuyến nông thị xã Vĩnh Châu, trên tổng diện tích bị thiệt hại có khoảng 28,39% bệnh đốm trắng, 18,95% bị hội chứng gan tụy cấp, còn lại trên 50% là do yếu tố môi trường. Ông Lý Chí Hiếu, Trưởng trạm Khuyến nông thị xã, cho biết: “Đối với những ao tôm còn nhỏ bị thiệt hại bà con nên sử dụng thuốc diệt khuẩn để dập bệnh, thả một số đối tượng cá để cá ăn hết xác tôm chết, khi trong ao không còn xác tôm thì bà con xử lý nước để thả tôm lại. Trạm sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho bà con trong suốt vụ nuôi; đồng thời khuyến cáo bà con không nên giấu mà phải khai báo dịch bệnh cho chính quyền địa phương và không xả nước trong ao tôm bị bệnh ra môi trường”.
Ao nuôi tôm bị thiệt hại chưa xuống giống lại.
Còn huyện Trần Đề có tỉ lệ nuôi tôm công nghê cao khá lớn. Tuy nhiên, thời tiết mưa bão hiện nay đã làm ảnh hưởng đến một số diện tích và tình hình thiệt hại có chiều hướng tăng. Hiện đã có hơn 130 ha bị thiệt hại trên tổng diện tích thả nuôi là 4.420 ha. Ông Trần Hoàng Dũng, Trưởng Phòng NN&TPNT huyện Trần Đề, đánh giá: “Tỉ lệ thiệt hại tôm nuôi vẫn có thể khống chế được, nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây thì mức thiệt hại cao hơn. Căn cứ vào kết quả quan trắc môi trường, hầu hết độ mặn ở các tuyến sông đã ngọt. Do đó, những hộ nuôi tôm lấy nước trực tiếp từ sông vào thì hiện nay không còn đủ điều kiện để nuôi tôm, dù còn khoảng một tháng rưỡi nữa mới kết thúc nuôi tôm chính vụ năm 2018”.
Phòng NN&PTNT huyện Trần Đề đã lấy 16 mẫu tôm gởi xét nghiệm. Kết quả có 4 mẫu bị bệnh gan tụy, các mẫu còn lại không có dấu hiệu nhiễm bệnh. Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên, Phó phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, khuyến cáo: “Hộ nuôi tôm phải tăng cường các giải pháp đo đạt các chỉ tiêu môi trường như: pH, độ kiềm, các khí độc để có biện pháp khắc phục kịp thời. Trước và sau những trận mưa bão bà con nên đo môi trường, nếu thấy độ pH và kiềm giảm thì phải tạt vôi và khoáng xuống ao nuôi; còn nếu thấy khí độc tăng cao nên tăng cường vi sinh để khắc phục tình trạng khí độc hay môi trường biến động”.
Để phòng tránh dịch bệnh lây lan rộng, Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ 4 địa phương nuôi tôm trong tỉnh 20 tấn hóa chất diệt khuẩn và giám sát chặt chẽ tình hình xử lý các ao tôm bị bệnh.