Cá tôm đã về
Một buổi sáng, như thường lệ, sau khi nhấc giàn lưới cào lên, lão ngư Nguyễn Văn Đo (ấp Bà Bông, xã Phước Khánh) thảng thốt khi chứng kiến những con tôm tít giãy tanh tách trong lưới. Mừng rỡ, ông hét lên: “Có tôm về rồi! Có tôm về rồi”… Từ ngày đấy, ông sắm cho hai người con trai mỗi người một chiếc ghe để đi đánh tôm. Mỗi chiếc giá 80 triệu đồng.
Hôm chúng tôi đến nhà, cũng là lúc 3 cha con lão ngư Đo đang cho ghe về bến. Chưa kịp hớp ngụm trà, ông chỉ hai ngôi nhà mới xây, rồi nói: “Nhờ tôm cá, nhờ con sông Thị Vải mà hai thằng con trai tôi cưới được vợ cất nhà ra ở riêng”. Theo lão ngư Đo, hiện mỗi ngày dong ghe đi đánh bắt tôm, mỗi ghe của gia đình ông cũng kiếm được khoảng 300.000 đồng.
Ở ấp Bà Bông, thời điểm sông Thị Vải bị ô nhiễm, chỉ còn khoảng 5 – 6 chiếc ghe. Sông hết cá, tôm, nhiều người bán ghe lên bờ. “Lớp thanh niên đi làm công nhân trong các khu công nghiệp, già hơn thì đụng việc gì làm việc nấy, chỉ mong trụ được qua ngày. Giờ tôm, cá về, số lượng ghe đánh bắt thủy sản trong ấp nâng lên 45 chiếc”- ông Đo khấp khởi.
Ở ấp 3 (xã Long Thọ), ngư dân Đỗ Trọng Bảo cho biết: “Những ngày đầu cá, tôm về, mỗi ngày đi đánh bắt kiếm được cả triệu đồng. Bây giờ, tuy cá, tôm ít đi nhưng vẫn có thể kiếm tới 400.000 đồng lận”. Ngoài những loại cá thường gặp, như nục, chẽm, đối… thì nhiều ghe còn đánh được cá chìa vôi, cá hường, tôm hùm, tôm tít… Ông Huỳnh Văn Chiến - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch cho biết, từ ngày Công ty Vedan ngừng xả thải, sông Thị Vải đã hồi sinh. Tôm, cá này càng về nhiều khiến nhiều người đầu tư ngư cụ đánh bắt thủy sản hơn. “Ngư dân đã tiếp cận Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển nghề đánh bắt thủy sản, nhất là khi lượng vay nâng lên 50 triệu đồng/trường hợp”- ông Chiến nói.
Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Nhơn Trạch, hiện tổng dư nợ tại xã Long Thọ trên 3 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay để phát triển đánh bắt thủy sản chiếm khoảng 40%. Xã Long Thọ hiện có hơn 300 hộ hành nghề đánh bắt thủy sản, chủ yếu trên sông Thị Vải.
Tận diệt cá tôm
Cùng với niềm vui cá tôm về, lại xuất hiện những nỗi lo lớn. Ông Nguyễn Văn Nghĩa – cán bộ Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (đóng trên địa bàn xã Phước An, thuộc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai) cho biết, chỉ tính khu vực xã Phước An và Long Thọ đã có gần cả ngàn miệng đáy đánh bắt cá đang hoạt động trên sông Thị Vải và các tắc, ngọn sông. “Miệng đáy dày đặc trên sông, bắt mọi loại cá, lớn nhỏ. Kiểu khai thác tận diệt này lại đang giết dần sông Thị Vải”-ông tâm sự.
Hơn 20 năm làm công việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ông Nghĩa chưa bao giờ thấy nghề đóng đáy, làm nò lại nở rộ như hiện nay. Chỉ tính riêng tại xã Phước Khánh, số miệng đáy đã lên đến khoảng 400. Ngoài sông Thị Vải, các ngọn sông, như Đèn Cóc, Cái Ngang, Cái Trưng, Ruột Ngựa, ông Trúc… miệng đáy giăng mắc khắp nơi.
Anh Huỳnh Văn Thiện (ấp 4) cho biết: “Nò giăng mắc khắp nơi, từ sông Thị Vải cho đến các ngọn, tắc sông”.
Ông Phạm Thanh Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An cho biết: “Mắt lưới của đuôi đáy nhỏ li ti để bắt tất cả mọi thủy sản lọt vào. Cá lớn thì ngư dân bán làm thức ăn; cá nhỏ, cá tạp thì bán làm phân bón, thức ăn cho động vật nên họ bắt tất”.
Ông Nguyễn Hậu Giang – Trạm trưởng Trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản đóng tại xã Phước Khánh (thuộc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai) cho biết, hiện lượng tôm, cá trên sông Thị Vải đang có dấu hiệu giảm sút nghiêm trọng. “Thời gian qua, chúng tôi cũng có xử phạt hành chính một số trường hợp vi phạm nhưng như bắt cóc bỏ đĩa bởi phạt xong họ lại vi phạm. Họ viện rất nhiều lý do...”- ông Giang nói.
Để cá tôm “ở lại” với sông Thị Vải, để nông-ngư dân ven dòng sông này khai thác nguồn lợi một cách dài lâu, bền vững. Rất cần chính quyền địa phương, ban ngành vào cuộc và có biện pháp xử lý rốt ráo, mạnh tay hơn. Đừng để sông Thị Vải vừa mới hồi sinh đã đối diện với nguy cơ cạn kiệt cá tôm.
"Tại tắc Ông Trung, chỉ một đoạn sông khoảng 1km đã có đến 7 sở đáy, tương đương với 50-70 miệng đáy. Khi thấy cá tôm nhiều, nhiều người đổ xô đến giăng sở đáy khiến cá tôm trở nên hiếm” . Ngư dân Trần Văn Trinh