UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 13/6/2024 về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Bình Định, trong đó tăng cường công tác quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, từng bước tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản, đảm bảo quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, của tỉnh; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Về công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, giám sát hoạt động tàu cá trên biển
- Tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn tỉnh, phân loại tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài đưa vào danh sách thông báo đến các cơ quan liên quan. Tổ chức xác minh, nắm bắt tình hình các chủ tàu cá, thuyền trưởng tàu cá có liên quan đến hoạt động khai thác chung trong một nhóm, đội, gia đình với các chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá đã bị nước ngoài bắt giữ từ năm 2018 đến nay để có biện pháp tuyên tuyền, giáo dục.
- Tiếp tục hướng dẫn thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị GSHT, cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, đảm bảo 100% tàu cá tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định; xử lý nghiêm tàu cá chưa đăng ký và không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản.
Nguồn thủy sản tự nhiên sẽ được bảo tồn nếu khai thác hợp lý hơn
- Khẩn trương triển khai cấp đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu chưa đăng ký theo quy định tại Thông tư 06/2024/TTBNNPTNT ngày 06/5/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tổ chức trực hệ thống Trạm bờ 24/24 để kịp thời theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua Hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định mất kết nối VMS (không báo cáo vị trí 6 giờ một lần, mất kết nối quá 10 ngày không đưa tàu về bờ, mất kết nối trên 06 tháng, 01 năm; lập danh sách theo dõi, xử lý đến cùng các vụ việc vi phạm).
- Tiến hành rà soát các tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình do hư hỏng, nằm bờ, không hoạt động sản xuất và làm thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản, kiểm tra, xác định vị trí, địa điểm neo đậu của từng tàu cá chưa lắp đặt GSHT, yêu cầu các chủ tàu cá ký cam kết phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước khi tham gia hoạt động khai thác. Giao UBND cấp xã trực tiếp quản lý, theo dõi, giám sát các tàu cá của địa phương chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, báo cáo cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu; đồng thời chịu trách nhiệm trước cấp trên nếu để tàu cá của địa phương chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mà tham gia hoạt động khai thác thủy sản.
- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị VMS.
- Thực hiện cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).
Các tàu ra khơi đánh bắt cần có giấy phép hành nghề
Về quản lý nhóm tàu thường xuyên hoạt động và neo đậu ngoài tỉnh, hàng năm không về địa phương
- Rà soát, khoanh vùng, lập danh sách tàu cá có chiều dài dưới 15 mét hành nghề nghề câu mực thường xuyên hoạt động và xuất nhập bến ngoài tỉnh có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, triển khai các biện pháp mạnh (yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình) để ngăn chặn, kiên quyết không để tàu cá địa phương tiếp tục vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
- Vận động, thuyết phục người dân thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với nhóm tàu cá có chiều dài từ 12 đến dưới 15 mét làm nghề câu mực, yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng mở máy 24/24 giờ để quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng ngư dân đưa tàu cá vi phạm vùng bển nước ngoài.
- Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi cho tỉnh (100 hạn ngạch) để tạo điều kiện cho những tàu cá dưới 15 mét (đặc biệt hành nghề câu mực) được phép cải hoán lên trên 15 mét lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để quản lý.
- Xây dựng chính sách chuyển đổi nghề (xả bản tàu cá), chính sách hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với nhóm tàu cá có chiều dài dưới 15 mét hành nghề nghề câu mực thường xuyên hoạt động và xuất nhập bến ở các tỉnh phía Nam có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài./.