Trong 6 tháng đầu năm 2015, các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, đặc biệt là việc xây dựng cơ chế chính sách và tổ chức thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, các nhiệm vụ triển khai vẫn chưa rõ nét, trong đó, tình trạng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh thú y; sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong chăn nuôi, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn nhiều; các cơ sở xếp loại C vẫn còn chiếm tỷ lệ cao và chưa có biện pháp xử lý.
Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm 2015, các đơn vị cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo sự chuyển biến rõ nét nhằm sản xuất sản phẩm nông sản an toàn, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng hơn. Cụ thể, về xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, các Tổng cục, Cục chuyên ngành cần hoàn thiện, trình ban hành các chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo kế hoạch năm 2015 đã được phê duyệt. Thực hiện rà soát lại phí và lệ phí quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp với Cục Thú y trong tháng 8/2015 hoàn thiện, trình ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 81/2009/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2009 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thức ăn chăn nuôi.
Về công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật, các Tổng cục, Cục chuyên ngành chủ trì, phối hợp với VTV, VOV tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật; thực hiện có trọng tâm, tránh dàn trải nhằm thay đổi nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm. Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tham mưu, đề xuất nội dung thực hiện truyền thông hiệu quả, liên tục.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, tăng cường công tác thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp; thanh tra, kiểm tra các sản phẩm nông, thủy sản nhập khẩu, trong đó tập trung vào rau, quả, thủy sản nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và sản xuất trong nước. Đồng thời, tập trung công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp, trong đó chú trọng thanh tra về an toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp tục theo dõi để kịp thời giải quyết các sự cố mất an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người dân vào sản phẩm nông sản./.