Có thể thấy, năm 2017 huyện Tiên Yên chuyển đổi nhiều diện tích nuôi tôm quảng canh sang nuôi công nghiệp. Chỉ tính riêng xã Hải Lạng đã tăng thêm 28ha nuôi công nghiệp, tăng hơn 120% so với diện tích trước đó, nâng tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn vùng Hải Lạng lên 48ha. Cùng với Tiên Yên, người dân các địa phương như Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái cũng cải thiện hệ thống hạ tầng ao nuôi, xử lý thải, điện, nước, đầu tư hệ thống sục khí, thiết bị điều chỉnh nhiệt độ… để nuôi tôm công nghiệp.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã mở rộng thêm được 313ha nuôi tôm công nghiệp, nâng tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn tỉnh lên trên 3.600ha. Ông Lục Văn Long, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên nhận định: Việc người dân mở rộng các mô hình nuôi tôm công nghiệp cho thấy sự đầu tư nghiêm túc, thật sự, hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị và phát triển bền vững.
Thực tế chi phí đầu tư 1ha nuôi tôm công nghiệp khá cao từ 5 - 10 tỷ đồng (gấp 5 - 10 lần nuôi quảng canh), tuy nhiên sản lượng, giá trị tăng từ 100 - 150 lần. Cụ thể, 1ha nuôi tôm công nghiệp cho sản lượng 25 - 50 tấn/năm, trị giá đạt 3 - 6 tỷ đồng, trong khi, 1ha nuôi tôm quảng canh cho thu dưới 1 tấn/năm, trị giá 30 triệu đồng.
Hiện nhiều mô hình nuôi tôm công nghiệp đạt sản lượng trung bình đến 60 tấn/ha/năm, trị giá trung bình trên 9 tỷ đồng/ha/năm. Tiêu biểu như diện tích nuôi trên địa bàn huyện Đầm Hà và TX Quảng Yên của Tập đoàn BIM, mô hình của Công ty CP Nhật Long tại TP Hạ Long, mô hình nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Bảy tại huyện Hoành Bồ… Theo ông Vương Văn Oanh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh, nhờ việc tăng diện tích nuôi tôm theo hướng công nghiệp nên trong năm 2017, toàn tỉnh đạt trên 10.000 tấn tôm, tăng gần 2.160 tấn so với năm 2016, chiếm 25% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng các loại; tổng trị giá từ con tôm (giá so sánh năm 2010) đạt trên 4.900 tỷ đồng, chiếm 60% giá trị toàn ngành thủy sản.