Nâng cao tính cộng đồng
Được sự hỗ trợ của Dự án “Thúc đẩy chứng nhận và quản lý bền thực hành nuôi tôm tốt hơn cho các hộ quy mô nhỏ tại Việt Nam” do Danida (Đan Mạch) tài trợ, từ năm 2008 đến nay, 2 xã Vĩnh Hậu và Vĩnh Hậu A (H.Hòa Bình) đã thành lập được 5 THT nuôi trồng thủy sản, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như THT 30 Tháng 4 ở ấp Thống Nhất (xã Vĩnh Hậu) có 15 thành viên, với tổng diện tích khoảng 50 ha; trong đó 70% là nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến kết hợp (tôm - rừng), 30% còn lại là nuôi tôm công nghiệp. Ông Trần Quốc Tuấn, Tổ trưởng THT 30 Tháng 4, cho biết đây là hình thức hợp tác góp phần nâng cao tính cộng đồng, tinh thần trách nhiệm trong sản xuất, giúp bà con nông dân trao đổi kinh nghiệm, thả tôm theo đúng lịch thời vụ và thu hoạch cùng thời điểm... nên giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả.
Ngoài ra, THT 30 Tháng 4 còn thành lập được quỹ tương trợ với số tiền khoảng 60 triệu đồng để cho các tổ viên thiếu vốn sản xuất vay với lãi suất 1%/tháng. Tiền lãi được góp lại vào quỹ để tổ chức sinh hoạt hằng tháng. Như vậy, quỹ này vừa giúp các tổ viên trong THT giải quyết những khó khăn về vốn một cách nhanh chóng, vừa có kinh phí để duy trì hoạt động.
Ông Phạm Văn Phòng, tổ viên THT 30 Tháng 4, cho biết trước đây ông nuôi tôm bị lỗ hết vốn, ao hầm bỏ không nhiều năm liền. Từ khi vào THT 30 Tháng 4, ông được THT cho vay vốn để mua tôm giống thả nuôi theo mô hình tôm - rừng, áp dụng đúng kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành chức năng nên chỉ vụ đầu đã trả hết nợ vay và hiện đang mở rộng vùng nuôi tôm rừng lên 1,2 ha. Theo ông Phòng, cái lợi trước hết từ việc tham gia vào THT là giảm chi phí xét nghiệm tôm giống trước khi thả nuôi nhờ thả giống đồng loạt; đồng thời trong quá trình sản xuất, các xã viên cùng nhau bảo vệ tôm nuôi, hạn chế tình trạng thất thoát, tăng hiệu quả.
Áp dụng BMP
Từ tháng 2.2012, dự án trên đã hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật… cho các THT áp dụng BMP (Better Management Practices - Thực hành quản lý tốt hơn) nhằm giúp nông dân nâng cao năng lực tổ nhóm, cải thiện năng suất, giảm thiểu dịch bệnh, gia tăng lợi nhuận mà vẫn bảo vệ môi trường sinh thái. Theo ông Trần Quốc Tuấn, từ khi có sự hỗ trợ của dự án và áp dụng BMP, hầu như tôm nuôi của các hộ trong THT không bị dịch bệnh, tốc độ sinh trưởng nhanh, giảm chi phí nuôi, sản phẩm đạt được những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm… “Gia đình tôi có 2,6 ha đất nuôi tôm kết hợp trồng rừng. Nếu như trước đây chỉ thu nhập khoảng 200 triệu/ha/năm từ tôm, cua thì nay thu nhập đã tăng gấp đôi. Ngoài ra, khi áp dụng BMP, chúng tôi còn ghi lại nhật ký nuôi, từ đó rút ra nhiều kinh nghiệm và truy xuất được nguồn gốc tôm nên dễ dàng tiếp cận hơn với các chứng nhận quốc tế”, ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, nuôi tôm theo mô hình này chi phí thấp vì không cần thức ăn, không dùng hóa chất, ít tốn công chăm sóc nhưng sản phẩm thường có giá bán cao hơn 5 - 10% so với tôm thông thường. Mô hình nuôi tôm có trách nhiệm đang mở ra hướng đi đầy triển vọng cho người dân vùng rừng ngập mặn.
Ông Ngô Tiến Chương, Điều phối viên Chương trình Nuôi trồng thủy sản của WWF - Việt Nam, cho biết WWF - Việt Nam đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư các tỉnh ĐBSCL triển khai mô hình nuôi tôm có trách nhiệm, hướng tới đạt chứng nhận quốc tế ASC; đồng thời nỗ lực xây dựng mối liên kết chuỗi từ THT đến doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định cho người nuôi. “Tuy nhiên, các THT cần phải liên kết để thu hoạch cùng lúc, bởi điều này sẽ cải thiện được vấn đề sản lượng và giảm chi phí thu gom, tăng lợi nhuận tối đa”, ông Chương khuyến cáo.