Chín ngư dân trên một tàu cá thuộc tỉnh Phú Yên đã bị hải quân Malaysia bắt giữ theo nguồn tin từ Trung tâm Phòng, chống lụt bão ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên của Việt Nam, được tờ Bấm Pháp luật TP. Hồ Chí Minh trích dẫn hôm 23/2.Theo tờ báo này, chiều tối hôm thứ Năm, theo giờ địa phương, tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động khai thác gần một đảo thuộc Trường Sa, thì bị bắt giữ.
Tờ báo viết: "... Chiều tối 21-2, tàu cá BL-93007 do ông Lê Chí Toàn (trú phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên) làm truyền trưởng cùng tám lao động khác (chưa xác định được nơi cư trú) trong khi đang hành nghề cách đảo Đá Lát (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 125 hải lý thì bị hải quân Malaysia bắt giữ.
"Hiện Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn để có biện pháp can thiệp, đưa ngư dân về nước," tờ báo cho biết thêm.
Malaysia là một trong số các quốc gia ở Asean và khu vực cùng đưa ra tuyên bố chủ quyền ở một số khu vực biển đảo trên Biển Đông, trong đó có Trường Sa, quần đảo mà Việt Nam luôn tuyên bố chủ quyền.
"Không phải lần đầu"
Đây không phải lần đầu xảy ra trường hợp các tàu cá của ngư dân Việt Nam bị hải quân, lực lượng tuần duyên hoặc chính quyền các quốc gia láng giềng trong khu vực bắt giữ trên các vùng biển tranh chấp.
Riêng đối với Malaysia, trong bảy tháng đầu năm ngoái, Cơ quan Thực thi Hàng hải của nước này từng tuyên bố đã bắt giữ với tổng số lên tới 29 tàu cá Việt Nam mà Malaysia cáo buộc là "hoạt động bất hợp pháp" trong lãnh hải của họ.
Hồi tháng Tám năm ngoái, Tổng Giám đốc cơ quan này cho tờ News Strait Times hay 29 chiếc tàu kể trên bị bắt ở trong số 33 tàu nước ngoài "xâm phạm lãnh hải của Malaysia."
Ba tàu khác thuộc sở hữu của ngư dân Thái Lan và một tàu thuộc sở hữu của Indonesia. Nhà đương cục Malaysia khi đó cho tờ báo này hay họ thu phạt "được gần 2 triệu đô-la."
Tuy nhiên, truyền thông Việt Nam cũng nhiều lần đưa tin khẳng định các tàu cá của ngư dân Việt Nam đã bị bắt hoặc trong khi họ hoạt động trên ngư trường truyền thống thuộc các vùng biển mà Việt Nam tuyên bố, thực thi chủ quyền, hoặc trong các trường hợp khác là bị trôi dạt, hoặc gặp thiên tai.
Về phía mình, nhà chức trách Việt Nam cũng tuyên bố đã "bắt giữ, xử lý hành chính hoặc xua đuổi" nhiều tàu cá nước ngoài xâm nhập, trong đó có các tàu đến từ khu vực giáp ranh với Trung Quốc và từ các quốc gia láng giềng ở Asean.
Đầu tháng 12 năm ngoái, tờ Bấm VnExpress cho hay hàng trăm tàu cá nước ngoài bị bắt giữ, xua đuổi bởi cơ quan tuần duyên ở Hải Phòng:
"Biên phòng Hải Phòng đã tiếp nhận và bắt giữ 65 lượt tàu, phóng thích 35 tàu và xua đuổi 139 tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền đánh bắt trộm hải sản ở vùng biển của Việt Nam.
"...Cơ quan này đã tiếp nhận và trực tiếp bắt giữ, đồng thời tham mưu cho UBND thành phố xử lý 65 lượt tàu cá với 410 ngư dân nước ngoài vi phạm chủ quyền đánh bắt trộm hải sản; lập biên bản cảnh báo phóng thích ngay trên biển 35 tàu với 315 ngư dân nước ngoài, xua đuổi 139 tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền đánh bắt trộm hải sản," VnExpress cho biết.