Khoảng 7 giờ sáng, chạy ghe máy ra khỏi cửa biển Sa Kỳ hơn một cây số, ngư dân Phạm Bông trú ở thôn Định Tân (X.Bình Châu, H.Bình Sơn) chỉ tay một đôi tàu thuộc diện “khủng” rồi giải thích đây là lúc tàu giã cào đang thả trôi tàu để rải lưới. “Rải lưới xong là nó nổ máy chạy băng băng liền. Bà con ngư dân bọn tui khổ lâu nay với mấy ông “cào cào bay” này lắm rồi” - ông Bông lắc đầu ngao ngán.
Sở dĩ gọi “cào cào bay” là vì các tàu này có công suất nhỏ thì khoảng 90 CV còn lớn là 600 - 800 CV, di chuyển với tốc độ từ 7-10 hải lý/giờ. Mỗi tấm lưới của tàu giã cào có ba lớp: lớp ngoài cùng mắt lưới lớn, lớp giữa nhỏ hơn và lớp sau cùng mắt lưới nhỏ đến mức con cá nhỏ hơn ngón tay trẻ con cũng không thoát. Khi thả lưới xong, hai tàu này nổ máy kéo lưới này đi, “nạo” sạch từ cá nằm sát đáy biển đến cá nổi trên mặt nước. Mỗi khi hoạt động, hàng chục đôi tàu giã cào sắp hàng ngang càn quét cửa Sa Kỳ rộng chừng 3 hải lý.
Không chỉ hủy diệt môi trường biển, đoàn tàu giã cào ở đây còn cuốn cả ngư lưới cụ của ngư dân đánh cá tại cửa biển này. Không ít vụ khẩu chiến, thậm chí là xô xát xảy ra giữa ngư dân bãi ngang với tàu giã cào. "Hầu hết ghe của ngư dân là ghe nhỏ, công suất dưới 20 CV nên khi xảy ra chuyện, mình chỉ biết im lặng. Nói lớn tiếng, nó quay tàu lại đâm vào, thiệt chỉ về mình thôi" - ngư dân Trần Quang Long ở xã Phổ An, H.Đức Phổ, lắc đầu.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu (H.Bình Sơn) thừa nhận là có tàu giã cào công suất lớn hoành hành mấy năm gần đây trên biển, hủy diệt môi trường rất lớn, đời sống ngư dân đánh bắt hải sản gần bờ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình hình này, Trạm Biên phòng cửa Sa Kỳ đã báo cáo lên lãnh đạo đơn vị để có hướng xử lý tàu vi phạm.