Nhiệt độ ngoài trời những ngày vừa qua chỉ ở ngưỡng 10-15oC, sương mù phủ kín nhưng ở dưới bến ngư dân vẫn hối hả chuyển cá lên bờ. Cá cơm chủ yếu được lấy từ cảng Lạch Quèn (xã Tiến Thủy) và bến Quỳnh Lập rồi đưa về Quỳnh Dị.
Tại xã Quỳnh Dị có 10 cơ sở hấp cá cơm khô xuất bán sáng thị trường Trung Quốc và tiêu thụ nội địa tạo việc làm cho gần 1000 lao động. Mùa cá cơm từ đầu tháng 9 (âm lịch) đến hết tháng 2 (âm lịch).
Cá cơm được hấp trước khi phơi.
Mỗi lao động tham gia công việc hấp, phơi cá cơm có mức tiền công 150 nghìn đồng/ngày, nếu tăng ca thì tính thêm một tiếng 20 nghìn đồng.
Các lao động đều đến từ các xã trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu như Tiến Thủy, Quỳnh Lập, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Phương…
Cá cơm sau khi được hấp chín, đem đi phơi khô và tách đầu cá ra khỏi thân rồi bảo quản vào kho lạnh bán quanh năm.
Năm nay được mùa cá cơm, cơ sở Lý Sơn chế biến đến 80 tấn một ngày với 75 lao động. Ngoài ra các cơ sở khác như Trinh Quyết, Bà Mai… cũng thuê gần 100 lao động làm việc suốt ngày.
Lao động ở đây chủ yếu là nữ, bởi đàn ông ở đây đều ra khơi đánh cá. Thời gian từ 7 giờ sáng tới 6 giờ tối chưa tính tăng ca. Công việc không nặng nhọc nên các chị, các mẹ đều có thể tranh thủ thời gian làm kiếm thêm thu nhập sắm Tết.
Ngoài chế biến cá cơm xuất khẩu, các cơ sở còn tận dụng những con cá hỏng và đầu cá khi được tách ra để bán phục vụ cho chăn nuôi.
Tới Quỳnh Dị vào mùa này, sẽ thấy trải dài dọc đường là những khay cá cơm được phơi cẩn thận. Và không khí nơi đây đang vào thời điểm nhộn nhịp và tất bật nhất.
Ngoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cá cơm còn được các doanh nghiệp đến tận nơi mua để bán ở khắp các địa bàn trong và ngoài tỉnh.