Cá Rô phi đơn tính là đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt chủ yếu tại Thái Bình, là một trong những định hướng chiến lược cho sự phát triển của nghề NTTS của tỉnh nhà. Năm 2018 Trung tâm Khuyến nông Thái Bình được giao thực hiện mô hình “Liên kết nuôi cá Rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” trên quy mô 03ha. Với các chỉ tiêu: mật độ thả 3con/m2, tỷ lệ sống > 70% trọng lượng trung bình > 650 gam/con, năng suất > 14 tấn/ha, hệ số thức ăn <1,5. Với mục tiêu hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Kết quả thực hiện mô hình: Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã chọn địa điểm xây dựng mô hình tại 03 xã Thái Hưng, Thái Hồng, Mỹ Lộc huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình. Đây là các xã có diện tỉnh nuôi trồng thủy sản nước ngọt lớn, thuận lợi cho việc triển khai mô hình và thông tin tuyên truyền cũng như công tác tổng kết hội thảo. Thời gian triển khai từ tháng 03 đến tháng 10/2018 các chỉ tiêu đạt được như sau: Tỷ lệ sống : 72,2%; trọng lượng trung bình 773 gam/con, sản lượng = 50.265 kg, năng suất 16,7 tấn/ha. Hệ số thức ăn 1,35 các chỉ tiêu kỹ thuật đều vượt chỉ tiêu của dự án đề ra. Hiệu quả kinh tế đạt 96.550.000 đồng/ha. Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã tổ chức tập huấn cho 30 người là nông ngư dân có nhu cầu tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá Rô phi theo VietGAP và tổ chức hội nghị tổng kết mô hình với 50 đại biểu nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình.
Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã giới thiệu Công ty TNHH Vĩnh Cơ, xã Thái Thủy, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tiến hành ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân.
Công tác đánh giá, cấp chứng nhận VietGAP: Cả 03 hộ tham gia thực hiện mô hình đều tuân thủ theo quy phạm VietGAP. Ban đánh giá VietGAP đã tiến hành đánh giá nội bộ cho 03 hộ thực hiện mô hình. Kết quả 100% đạt các tiêu chí VietGAP. Sau đó Trung tâm đã hướng dẫn các hộ ký hợp đồng với Trung tâm chuyển giao công nghệ Thủy sản Việt Nam để đánh giá, chứng nhận VietGAP, kết quả các hộ đều đạt 100% chỉ tiêu loại A. Trung tâm Chuyển giao công nghệ Thủy sản Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đánh giá chất lượng cho cả 03 hộ.
Như vậy, thành công của mô hình mở ra một triển vọng lớn giúp nông dân trong vùng tiếp cận với kỹ thuật nuôi mới, nuôi cá Rô phi theo VietGAP tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người nuôi, từng bước hình thành các khu nuôi thủy sản hàng hóa an toàn thực phẩm tập trung.