Hiện nay để đầu tư cải tạo, mua sắm máy móc thiết bị và làm hệ thống nhà bạt theo quy trình nuôi tôm công nghệ cao, người nông dân cần số vốn khoảng 1 tỷ đồng. Thêm vào đó nuôi tôm theo mô hình này cũng đòi hỏi tuân thủ các quy trình khá nghiêm ngặt, ao nuôi được xử lý đầu tư bài bản, nhất là trong xử lý nguồn nước, sản xuất theo hướng an toàn sinh học. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 300ha nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, công nghệ cao.
Để giúp phát triển nuôi tôm công nghệ cao, tỉnh Thái Bình có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi về đất đai, vay vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất giống tôm, nuôi tôm công nghệ cao. Phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 tỉnh sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao lên 620 ha, đến năm 2025 nâng lên hơn 760 ha, từng bước thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.