Theo Chi cục Thú y tỉnh Thái Bình, sau khi thả nuôi vào trung tuần tháng 4, tôm phát triển bình thường. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay xảy ra hiện tượng tôm chết nhiều, tập trung ở các vùng chuyển đổi của các xã Đông Minh, Nam Cường, Nam Thịnh (huyện Tiền Hải) và xã Thái Đô (huyện Thái Thụy). Đến nay, tại 4 xã này đã phát hiện tôm nuôi của 182 hộ bị chết do dịch bệnh đốm trắng với tổng diện tích tôm bị bệnh lên tới 38,4ha, số lượng giống thả hơn 6,5 triệu con.
Ông Đỗ Quý Phương, Phó Chi cục Thú y tỉnh Thái Bình cho biết, nguyên nhân dịch bệnh đốm trắng ở tôm năm nay xảy ra có thể do nguồn bệnh từ ngoài tự nhiên xâm nhập vào. Trong những ngày đầu tháng 5, có hiện tượng tôm khoang (tôm mèo) chết ngoài biển, sau đó đến tôm gai, tôm rảo ở vùng cửa sông bị chết, có biểu hiện của bệnh đốm trắng. Hiện tượng tôm chết xảy ra đầu tiên tại các hộ lấy nước bổ sung vào ao đầm tại các xã Thái Đô, Đông Minh… cộng thêm thời tiết nắng nóng làm biến đổi đột ngột các chỉ tiêu cơ bản của môi trường nước, làm giảm sức đề kháng của tôm. Mặc dù công tác cải tạo ao đầm năm nay được các địa phương thực hiện khá tốt, công tác xử lý dịch bệnh kịp thời, quyết liệt, các ao có tôm bị bệnh được xử lý hóa chất kịp thời, việc quản lý không cho tháo nước trong ao được thực hiện rất chặt chẽ, song do hiện tượng thẩm thấu nước, đặc biệt là chim hoang dã tha tôm bị bệnh chết từ vùng này sang vùng khác, rất khó quản lý, khiến tôm bị nhiễm bệnh và lây lan sang các vùng khác.
Theo nhận định của Chi cục Thú y tỉnh, nếu các địa phương không xử lý kịp thời dịch bệnh, nhất là việc thu dọn xác tôm chết không triệt để, không xử lý hoá chất tại các ao có tôm bị bệnh theo hướng dẫn của Chi cục Thú y thì nguy cơ phát tán, lây lan dịch bệnh cho các ao nuôi tôm khác trong vùng và lây sang các xã có nuôi tôm khác là rất cao.
Trước tình hình dịch bệnh đốm trắng trên tôm nuôi, Chi cục Thú y và Chi cục Nuôi trồng thủy sản Thái Bình phối hợp với Phòng Nông nghiệp hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nuôi tôm các biện pháp xử lý dịch bệnh, thu gom xác tôm chết thường xuyên và tiêu hủy theo quy định; giữ nguyên mực nước trong ao nuôi, không xả nước ao nuôi bị bệnh ra ngoài môi trường chung; hỗ trợ 3.500kg hóa chất Chlorine cho các hộ nuôi có tôm chết do vi rút đốm trắng, xử lý môi trường ao nuôi. Đối với ao nuôi có tỷ lệ tôm chết thấp, hướng dẫn các hộ xử lý ao nuôi bằng Vicato dạng viên sủi với nồng độ 5-10ppm để tiếp tục nuôi tôm còn sống. Với những ao có tỷ lệ tôm chết cao, không còn khả năng khắc phục, yêu cầu các hộ tiêu hủy toàn bộ ao tôm bị nhiễm bệnh bằng hóa chất Chlorine (nồng độ 30ppm); giữ nguyên nước trong ao sau 7 đến 10 ngày mới được tháo nước ra ngoài để cải tạo ao và thả lại tôm theo đúng quy trình không để bệnh dịch lây ra diện rộng.