Hiện nay, nghề nuôi tôm đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức về thay đổi thời tiết, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… Trước thực tế đó, trong thời gian qua, người dân thuộc các vùng nuôi tôm tập trung của huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã đầu tư chuyển đổi nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả, nuôi tôm quảng canh trong ao đất sang nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong ao nổi có mái che và cho những kết quả rất khả quan.
Ông Trương Văn Vượng, thôn Nam Triều, xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa) sau quá trình nuôi tôm trong ao đất hiệu quả không cao đã đầu tư xây dựng hệ thống 6 ao có mái che nuôi tôm theo hình thức công nghệ cao.
Theo ông Vượng, muốn nuôi tôm thành công phải hội tụ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quyết định thành bại là người nuôi phải thực sự tâm huyết, đam mê, nắm vững kiến thức nuôi.
Bên cạnh đó, nguồn nước là yếu tố rất quan trọng, hộ nuôi phải xây dựng được hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt để thuận lợi thay nước hàng ngày, không để chất thải lắng ở đáy ao, sản sinh ra khí độc, ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm.
Ông Vượng chia sẻ: Nuôi tôm trong ao có mái che giúp hạn chế được những ảnh hưởng của thời tiết nên các hộ có thể nuôi được 3 vụ/năm, gia đình nào khéo gối vụ có thể nuôi được 4 vụ/năm (thông thường nuôi ao không có mái che ở miền Bắc chỉ nuôi được 2 vụ/năm). Nhờ đó, hiệu quả kinh tế tăng lên, đặc biệt tôm nuôi trong vụ đông thường có giá bán cao hơn nhiều so với các vụ trong năm.
“Tôm cũng như người, ngoài ăn uống đầy đủ cũng có nhu cầu được mát về mùa hè, ấm về mùa đông để duy trì sức khỏe, phát triển tốt. Vì vậy ao không có mái che rủi ro sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, tôm thẻ chân trắng hay mắc các bệnh về đường ruột, gan... Khi nuôi công nghệ cao, môi trường nuôi được đảm bảo sẽ giúp khắc phục rất tốt những bệnh này”, ông Vượng cho hay.
Ông Vượng thông tin thêm: Nhờ áp dụng phương thức nuôi tôm công nghệ cao trong ao nổi có mái che nên lứa tôm đầu tiên, mặc dù chưa có kinh nghiệm ông cũng không phải bù lỗ. Lứa tôm gần nhất ông thắng lớn khi hai ao (hơn 500m2/ao) thu được 5 tấn tôm, với giá bán 215.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi 500 triệu đồng. Vừa qua, ông đã thu hoạch lứa tôm tiếp theo, với giá bán tôm ở mức cao (280.000 đồng/kg).
Anh Nguyễn Ngọc Đoàn, phường Trúc Lâm (Thị xã Nghi Sơn) thời gian qua cũng đã mạnh dạn nhận thầu hơn 12ha đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao. Trên diện tích này, anh xây dựng 22 ao nổi có mái che, áp dụng kỹ thuật nuôi tôm theo 4 giai đoạn. Ban đầu thả tôm với mật độ khoảng 1.000 con/m2, sau đó san ao xuống 500 con/m2, rồi 250 con/m2 và giai đoạn cuối khoảng 100 con/m2.
Anh Đoàn chia sẻ: Nuôi tôm công nghệ cao trong ao nổi có mái che chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng giảm được rủi ro vì nguồn nước nuôi được xử lý rất kỹ lưỡng thông qua hệ thống ao lắng, phụ trợ. Bên cạnh đó, nuôi tôm trong ao nổi giúp người nuôi kiểm soát được nguồn thức ăn, giảm lượng thức ăn thừa, dễ dàng vệ sinh ao nuôi, chủ động nguồn nước... Nhờ đó, giảm được tỉ lệ hao hụt đầu con, kiểm soát, giảm thiểu rủi ro mầm bệnh từ nguồn nước cấp.
Ông Trương Văn Miên, Giám đốc HTX Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản xã Hoàng Phong (Hoằng Hóa) cho biết: Trước đây, hầu hết thành viên HTX đều nuôi tôm quảng canh trong ao vuông không có mái che nên nguồn nước, dịch bệnh không được đảm bảo, hiệu quả, lợi nhuận không cao.
Theo ông Miên, qua theo dõi, so sánh giữa hình thức nuôi quảng canh trong ao đất và nuôi tôm công nghệ cao trong ao nổi có mái che của các hộ trong HTX cho thấy: Hiệu quả kinh tế khi nuôi tôm trong ao nổi có mái che cao gấp nhiều lần do người nuôi thuận lợi tăng vụ, tôm sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, ít mắc bệnh... Trung bình các hộ thu về 600 - 800 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ thu tiền tỷ/năm.
“Hiện tại, HTX có 5 hộ nuôi tôm công nghệ cao, thời gian tới chắc chắn số hộ nuôi theo hình thức này sẽ tăng lên. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất hiện nay là nguồn vốn để các hộ đầu tư ban đầu lớn, hiệu quả ai cũng nhìn thấy nhưng không phải ai cũng có đủ tiền để đầu tư”, ông Miên chia sẻ.