Một hộ dân ở thôn Thái Hòa, xã Phù Lưu (Lộc Hà) đang rất phấn khởi vì vụ nuôi tôm thẻ chân trắng thứ 3 trên ao hồ nước ngọt tiếp tục thắng lợi. Hiện nay, 5 ao nuôi với tổng diện tích khoảng 3 ha có hơn 3,5 tấn tôm thương phẩm loại 45 – 55 con/kg đang xuất bán. Với giá bình quân 200 nghìn đồng/kg, chủ hộ sẽ thu về khoảng 700 triệu đồng; trừ chi phí sản xuất (giống, thức ăn, nhân công, điện, thuốc phòng bệnh...) lãi khoảng 200 triệu đồng cho hơn 4 tháng nuôi.
Thông tin chia sẻ từ hộ nuôi “Cách đây hơn 1 năm, tôi đi học hỏi kinh nghiệm ở một số nơi nên về quyết định nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt. Vụ nuôi đầu tiên dù chưa có kinh nghiệm, phải vừa học vừa làm nhưng 300 nghìn tôm giống vẫn phát triển tốt, ít hao hụt. Các vụ nuôi tiếp theo tôi thả từ 600 – 900 nghìn con giống/vụ, chăm sóc tốt hơn nên mỗi vụ lãi 200 – 250 triệu đồng”
Sau hai vụ nuôi ở vùng ao đầm ven sông Nghèn thuộc thôn Phù Ích, xã Ích Hậu, một hộ nuôi đang tiếp tục nuôi vụ thứ 3 tôm thẻ chân trắng xen cá đối trong ao nước ngọt của gia đình. Vì kỹ thuật và kinh nghiệm còn hạn chế, mật độ chỉ 5 – 10 con/m2 và kích cỡ tôm nhỏ nên sản lượng chưa đạt như ý muốn. Dù vậy, các vụ nuôi vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa kết hợp nuôi vịt, nuôi cá nước ngọt như trước đây.
Hiện nay, ở Lộc Hà đang có 4 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt với tổng diện tích khoảng 17 ha, chủ yếu ở các khu vực ven sông Nghèn và sông Én, thuộc địa bàn các xã Phù Lưu, Ích Hậu, Hồng Lộc. Các mô hình này đã thả nuôi từ 1 – 4 vụ với tổng số lượng khoảng 1,5 – 1,8 triệu con giống/vụ và bước đầu có những dấu hiệu tích cực như: tôm khá nhanh lớn, chưa thấy xuất hiện dịch bệnh, màu sắc tôm đẹp, đầu ra thuận lợi... Nhiều hộ ven sông đang tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, tận dụng các ao đầm nuôi cá nước ngọt trước đây để nuôi tôm thẻ chân trắng.
Cần nên kết hợp thêm các thiết bị công nghệ cho người nuôi tôm hiện nay. Ảnh: Tép Bạc
Theo kinh nghiệm của những người nuôi nhiều vụ, tôm thẻ chân trắng nuôi trong môi trường nước ngọt phải có một số điều chỉnh về quy trình, kỹ thuật so với nuôi mặn lợ. Theo đó, mật độ thả chỉ 20 - 25 con/m2 (bằng 1/2 mật độ nuôi quảng canh cải tiến và bằng 1/10 nuôi thâm canh vùng mặn lợ); ao hồ phải được dọn dẹp sạch sẽ; có biện pháp ngăn chặn các loài cá phàm ăn và bèo tây, bèo tấm xâm nhập; thường xuyên kiểm tra nguồn nước để đảm bảo độ PH, kiềm, NH3, NH4, NO3; tăng cường đánh canxi, vôi bột để bổ sung các loại khoáng chất và cải thiện môi trường nước...
Đặc biệt, điều cần phải lưu tâm nhất là yêu cầu về con giống vì hiện nay, cả nước chưa có cơ sở sản xuất giống tôm thẻ nuôi nước ngọt. Nhằm tránh hao hụt do tôm giống vì chết do sốc môi trường, người nuôi phải liên hệ trung tâm giống trước 4 – 5 ngày thả nuôi để họ thực hiện thuần con giống từ môi trường nuôi mặn lợ sang nuôi nước ngọt. Cùng với đó, khi xử lý ao nuôi phải thêm muối ở mức 1 – 2 tấn/ha, hoặc cho muối vào bể ươm 2 – 4 lần/ngày và liên tục trong 4 ngày để tôm dần thích nghi với môi trường nước ngọt.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết, Lộc Hà có lợi thế rất lớn về nuôi trồng thủy sản, trong đó có khoảng 170 ha ao hồ nước ngọt. Thời gian gần đây, một số hộ đã tận dụng, cải tạo ao nuôi cá truyền thống (mè, trắm, trôi, quả, rô phi, chép...) để chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng và bước đầu có những tín hiệu đáng mừng. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi, kiểm tra, định hướng để phát triển sản xuất hiệu quả hơn. Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, thì việc nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao hồ nước ngọt sẽ được nhân rộng, tuy nhiên cần được sự giám xác của cơ quan chuyên môn để mô hình này phát triển hiệu quả và bền vững.