Hiện nay toàn tỉnh Thanh Hóa có 19.300 ha NTTS, trong đó, nước ngọt 11.600 ha; nước mặn, lợ 7.700 ha. Với diện tích hơn 4.000 ha nuôi tôm quảng canh, 300 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, nên nhu cầu thức ăn phục vụ NTTS là khá lớn. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các đại lý và cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ chuyên cung cấp các loại sản phẩm vật tư thủy sản, trong đó có thức ăn dành cho các loại thủy sản. Điều đó khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát chất lượng thức ăn phục vụ NTTS và làm người sử dụng lúng túng khi lựa chọn cũng như cách sử dụng cho hiệu quả. Mặt khác, các địa phương vẫn còn hạn chế về nguồn nhân lực nên việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này còn khó khăn...
Anh Nguyễn Văn Lâm, người chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa), cho biết: Trong NTTS, thức ăn có vai trò quan trọng, thường chiếm 50 - 70% chi phí sản xuất. Thức ăn tốt giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện sức khỏe và tạo được sản phẩm nuôi trồng có giá trị kinh tế cao; thức ăn không bảo đảm chất lượng sẽ khiến cá, tôm chậm lớn, tỷ lệ hao tổn thức ăn cao. Đây là nguyên nhân khiến lợi nhuận của người nuôi giảm đáng kể. Hiện trên thị trường có nhiều loại thức ăn có nguồn gốc đa dạng từ các nước, như: Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, In-đô-nê-xi-a... nên người NTTS rất khó khăn trong việc lựa chọn và thường dùng theo thói quen.
Nhằm chủ động ngăn chặn có hiệu quả các vi phạm về việc sử dụng chất cấm và thức ăn dùng trong NTTS kém chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thủy sản nuôi. Đánh giá thực trạng chấp hành các quy định trong kinh doanh thức ăn, chất cải tạo môi trường dùng trong NTTS, hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh thức ăn NTTS trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, phần lớn các cơ sở kinh doanh đã chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về bảo đảm quy chuẩn, điều kiện kinh doanh, như: Hồ sơ sản xuất, kinh doanh; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hóa đơn chứng từ có liên quan đến hàng hóa; công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, đăng ký vào danh mục thức ăn chăn nuôi dùng trong NTTS được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định của pháp luật... Ngoài ra, các hộ nuôi NTTS cũng từng bước nâng cao nhận thức, hạn chế việc lạm dụng các loại hóa chất, thuốc, sử dụng thuốc thú y không theo hướng dẫn của nhà sản xuất; lựa chọn những sản phẩm bảo đảm chất lượng, có uy tín trên thị trường để sử dụng có hiệu quả, tránh gây lãng phí; không sử dụng các sản phẩm không có bao bì, nhãn mác... Chính vì vậy, việc thực hiện các quy định về quản lý vật tư thủy sản đầu vào (trong đó có thức ăn) thời gian qua cũng có nhiều chuyển biến đáng kể.
Để quản lý tốt hơn về thức ăn phục vụ NTTS, ngày 4-4- 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản, quy định về điều kiện kinh doanh, sử dụng, khảo nghiệm, chứng nhận, kiểm tra và quản lý Nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản thương mại. Theo đó, Chính phủ ưu tiên đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, sản xuất, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn thủy sản trong nước và các chính sách khác, trong đó có việc dành thêm quỹ đất và tín dụng ưu đãi cho việc trồng, thu hoạch, bảo quản, sản xuất, gia công, chế biến nguồn nguyên liệu thức ăn thủy sản trong nước. Đầu tư và xã hội hóa đầu tư nâng cao năng lực hoạt động thử nghiệm, chứng nhận sự phù hợp phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát chất lượng thức ăn thủy sản. Đối với việc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh, nghị định cũng quy định không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản.