Nhưng từ chiều 13/5 đến chiều 15/5, cá lại tiếp tục chết khiến người dân lo lắng. Lần này, cá chết tập trung vào các lồng nuôi trên sông của các hộ dân xã Thạch Cẩm và Thạch Định (huyện Thạch Thành).
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân hai xã Thạch Cẩm và Thạch Định, tính đến cuối giờ chiều 15/5, đã có 1,1 tấn cá nuôi bị chết và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cá chết đa phần là cá trắm đến kỳ thu hoạch, trọng lượng trung bình từ 2-4kg. Tổng số cá chết thuộc 10 hộ gia đình; trong đó, xã Thạch Cẩm có 7 hộ và xã Thạch Định có 3 hộ.
Ngay khi có thông tin cá tiếp tục chết, Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thành đã chỉ đạo các ngành liên quan trong huyện về kiểm tra, lấy mẫu nước, mẫu cá chết để gửi các cơ quan chức năng xét nghiệm, kiểm nghiệm.
Để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, huyện đã chỉ đạo các địa phương tiến hành tiêu hủy bằng hình thức phun hóa chất trước khi chôn lấp. Trưa 14/5 và chiều 15/5, hai hố tiêu hủy khác tiếp tục được đào để chôn dứt điểm số cá chết sau đó. Các cơ quan chức năng huyện Thạch Thành đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Như tin đã đưa, vào khoảng 7 giờ ngày 4/5, người dân xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành ra sông giặt giũ bất ngờ phát hiện hàng loạt cá chết nổi trên sông Bưởi.
Ủy ban Nhân dân xã Thạch Lâm đã cử cán bộ địa chính, môi trường và công an xã xuống hiện trường để xác minh. Qua quan sát bằng mắt thường thấy nước sông chuyển màu xanh đục, nổi bọt, mùi hôi, một lượng lớn cá các loại chết trắng dạt vào bờ.
Bước đầu các cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi là do nước xả thải của Nhà máy mía đường Hòa Bình (trên địa bàn Cụm công nghiệp Lạc Sơn, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình).
Từ ngày 15/3-25/4/2016, nhà máy này đã xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông Bưởi, với lưu lượng 250-300 m3/ngày đêm. Thực trạng ô nhiễm nguồn nước này đã khiến cá sông và cá nuôi lồng bị chết hàng loạt. Riêng số cá lồng của các hộ dân nuôi dọc sông Bưởi bị chết đã lên đến gần 17,4 tấn./.