Đây đang là những trăn trở của không ít các doanh nghiệp và hộ nuôi cá tra của Việt Nam.
Cả doanh nghiệp lẫn hộ nuôi đều gặp khó khăn
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra đến hầu hết các thị trường vẫn giữ được sự tăng trưởng với kim ngạch ước đạt 400 triệu USD, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Nổi bật, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng 50%, Mexico tăng khoảng 62% và Brazil tăng khoảng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khối các thị trường EU, thị trường Tây Ban Nha là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất.
Các chuyên gia ngành thủy sản nhận định mặc dù kim ngạch xuất khẩu đang tăng ổn định ở nhiều thị trường nhưng tình hình sản xuất kinh doanh trong nước lại đang gặp nhiều khó khăn. Điệp khúc rớt giá không còn là vấn đề mới nhưng tình trạng này vẫn liên tục diễn ra đối với các hộ nuôi cá tra, basa.
Sau một thời gian giá cá tra nguyên liệu tăng lên ở mức đảm bảo cho người nuôi có lãi thì đầu tháng Tư, giá cá tra nguyên liệu lại giảm mạnh, khiến người nuôi lo lắng.
Hiện giá cá tra nguyên liệu tại nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đang dao động ở mức 23.000 - 24.000 đồng/kg, giảm thêm khoảng 2.000 đồng/kg so với cách đây hơn hai tuần. Như vậy, so với thời điểm tháng Hai, giá cá tra nguyên liệu đã giảm tổng cộng khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lỗ từ 500 - 1.000 đồng/kg.
Giá cá tra giảm mạnh khiến người nuôi cá tra rất lo lắng, nhất là những hộ nuôi có cá gần tới thời điểm bán. Một nông dân nuôi cá ở An Giang cho biết nếu cá tra vẫn giảm giá hoặc đứng ở mức thấp, tới đây người nuôi cá sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn lỗ nặng, cộng với các loại chi phí đầu vào tăng thì chắc chắn nhiều người nuôi sẽ bỏ nghề.
Còn theo ước tính của các cơ quan chuyên môn, sản lượng cá còn lại trong dân không nhiều, chỉ còn khoảng 200.000 tấn.
Với giá bán như hiện nay, có thể nhiều hộ nuôi sau khi bán cá xong sẽ “treo ao,” bỏ nghề hàng loạt, có thể dẫn đến nguy cơ thiếu cá tra phục vụ chế biến xuất khẩu trong thời gian tới. Mặt khác, đối với một bộ phận nông dân muốn nuôi cá tra trở lại thì cũng đang gặp khá nhiều khó khăn, do vốn đầu tư đã cạn kiệt, ngân hàng thì không “mặn mà” với đối tượng vay phục vụ cho sản xuất ở lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt đối với nuôi cá tra - nghề nuôi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Một lý do khác cũng làm không ít doanh nghiệp và hộ nuôi cá tra ở Việt Nam hết sức lo ngại là sắp tới cá tra nguyên liệu sẽ còn căng thẳng là vì số lượng con giống cá tra phục vụ tái sản xuất đang trong tình trạng thiếu hụt, số lượng con giống bị chết ở các cơ sở nhân giống gần đây là rất lớn.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho rằng hiện nay, lượng cá nuôi của người dân cũng như của doanh nghiệp không có nhiều. Lượng cá trong ao của dân ước chỉ còn chưa tới 20% lượng cá doanh nghiệp cần để chế biến xuất khẩu trong năm, trong khi doanh nghiệp hiện mới tự nuôi được khoảng 50% sản lượng cá tra nguyên liệu cần cho nhà máy chế biến.
Không chỉ vậy, những khó khăn mà các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang gặp phải là chi phí sản xuất tăng cao, khó tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp.
Bên cạnh đó, có hiện tượng một số doanh nghiệp trong nước cạnh tranh không lành mạnh, tự hạ giá xuất khẩu để giành hợp đồng, gây thêm nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu cá tra nói chung.
Bên cạnh đó, gần đây, tình trạng một số công ty thủy sản nợ nần đã khiến ngân hàng thắt chặt tín dụng, khiến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất nên đã tạm thời ngừng thu mua hoặc hạn chế thu mua cá tra nguyên liệu do phải thực hiện công tác tổng vệ sinh và bảo trì nhà máy.
Cần các giải pháp kịp thời
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế ngành thủy sản, diễn biến thị trường cá tra không nằm ngoài quy luật cung - cầu. Giá cá tăng thường rơi vào lúc hụt nguồn cung nguyên liệu, thị trường xuất khẩu hút hàng. Và ngược lại, giá giảm thường trùng vào thời điểm nguồn cung đang thừa, xuất khẩu gặp khó, sức tiêu thụ giảm.
Tuy nhiên, các chuyên gia ngành thủy sản khuyến cáo nông dân cũng không nên quá lo lắng bởi qua diễn biến giá tăng - giảm còn cho thấy hiện tượng này mang tính chu kỳ, mức giá tăng cao đỉnh điểm hay giá xuống thấp thường không kéo dài quá ba tháng.
Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Nguyễn Huy Điền, sản xuất cá tra trong nước những tháng đầu năm gặp không ít khó khăn nhưng dự báo cả năm xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng ổn định.
Mặc dù thị trường EU có dấu hiệu thu hẹp đối với mặt hàng cá tra Việt Nam nhưng nhiều thị trường khác như Hoa Kỳ, Canada, Trung Đông, châu Phi... vẫn đang được mở rộng.
Để duy trì tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường mới, các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý với các điều khoản hợp đồng chặt chẽ, đặc biệt là điều khoản trọng tài kinh tế, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tuân thủ đúng các yêu cầu của nhà nhập khẩu, các quy định của nước nhập khẩu.
Đây cũng là nội dung chính sẽ được các chuyên gia ngành thủy sản đưa ra thảo luận tại Hội nghị sơ kết ba tháng đầu năm 2012 ngành cá tra được tổ chức vào ngày 17/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội nghị sẽ đề cập đến tình hình sản xuất và xuất khẩu, nguyên liệu cá tra, xu hướng phát triển cũng như những vấn đề cần giải quyết để giúp ngành cá tra phát triển bền vững, các chủ trương, chính sách nâng cao chất lượng con giống cá tra.
Tại hội nghị, VASEP cũng sẽ cung cấp các thông tin về diễn biến thị trường và xu hướng xuất khẩu cá tra ba tháng đầu năm 2012 để doanh nghiệp, người nuôi và cơ quan quản lý có cái nhìn tổng quan về thị trường tiêu thụ sản phẩm này trong thời gian tới.