Người nuôi cá tra đang gặp rất nhiều khó khăn.
Dự kiến trong các tháng 7 và 8 sẽ có thêm khoảng 1.000 ha đến kỳ thu hoạch với sản lượng ước khoảng từ 250 nghìn đến 300 nghìn tấn và trong các tháng còn lại của năm 2012 sẽ thu hoạch thêm khoảng 2.600 ha, sản lượng ước đạt 700 nghìn tấn.
So với cùng kỳ năm 2011, trong sáu tháng đầu năm 2012 giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu cơ bản ổn định ở mức 23.800 - 24.200 đồng/kg. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá bán cá tra nguyên liệu liên tục giảm sút, đặc biệt kể từ cuối quý I-2012 đến nay, tình hình nuôi và chế biến cá tra gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn. Doanh nghiệp thiếu vốn để thu mua cá nguyên liệu cho người nuôi và người nuôi thì không có vốn để tiếp tục đầu tư nuôi cá. Vào thời điểm đầu tháng 5 năm 2012 giá cá tra nguyên liệu ở mức từ 23.000 đến 23.500 đồng/kg, nhưng đến ngày 18-6 giảm còn chưa tới 20.000 đồng/kg, với giá này người nuôi bị thua lỗ từ 4.500 đến 7.000 đồng/kg. Cùng với đó, tình hình chế biến xuất khẩu, tình hình sản xuất và tiêu thụ thức ăn cho cá cũng gặp không ít khó khăn.
Tại Hội nghị "Sơ kết sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ÐBSCL sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2012" do Bộ NN và PTNT tổ chức chiều 26-6 tại tỉnh Ðồng Tháp, nhiều ý kiến phân tích nguyên nhân dẫn đến giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm sút trong hơn một tháng qua, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng được đưa ra nhằm nhanh chóng hạn chế tình hình sụt giảm giá cá tra nguyên liệu và ổn định thị trường xuất khẩu.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Dương Ngọc Minh cho biết, hiện nay mặc dù giá cá tra đã giảm dưới giá thành nhưng doanh nghiệp vẫn không mua. Nguyên nhân chính là do các ngân hàng thắt chặt tín dụng. Áp lực đáo hạn với lãi suất cao, buộc các doanh nghiệp bán ra giá thấp để trả nợ ngân hàng, nên giá cá nguyên liệu mua vào ngày một giảm. Trong khi đó người nuôi cũng bị đáo hạn ngân hàng, đành hạ giá cá xuống thấp. Ngoài ra, chi phí vận tải, lao động, vật tư... đều tăng, gây bất lợi cho doanh nghiệp.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Ðồng Tháp Nguyễn Ngọc Thạch cho rằng, ngân hàng không phải là tác nhân chính gây ra tình trạng khủng hoảng của cá tra hiện nay. Vấn đề chính là tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra hiện nay cung đã vượt cầu. Cùng với đó là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp.
Chủ tịch HÐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hoàn Trương Lệ Khanh cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của cá tra trong suốt thời gian dài từ năm 2007 đến nay chính là vấn đề quy hoạch, quản lý của Nhà nước, tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp còn nhiều bất cập, lỏng lẻo. Theo bà Khanh, trong sáu tháng đầu năm 2012, toàn vùng ÐBSCL đã thả nuôi hơn 4.500 ha, sản lượng thu hoạch 533 nghìn tấn, xuất khẩu đạt giá trị 700 triệu USD, vẫn đạt mức tăng trưởng 9,4% so với cùng kỳ, nghĩa là xét về quy mô hay sản lượng, thì hình như con cá tra không gặp vấn đề gì. Vấn đề chính là ở cách mà các doanh nghiệp bán sản phẩm cá tra ra thị trường quốc tế.
Tổng Giám đốc Công ty Cafatex Nguyễn Văn Kịch cho biết, thị trường châu Âu hằng năm tiêu thụ từ 50 đến 60% sản lượng cá tra của Việt Nam, nhưng hiện nay đã giảm còn 25%. Trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ lại tăng, nên các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn phần nào. Tuy nhiên, giá xuất khẩu cá phi-lê vẫn giảm từ 3,1 đến 3,2 USD/kg xuống còn 2,6 - 2,5 USD/kg. Một nguyên nhân nữa là vùng nuôi của các doanh nghiệp với sản lượng 600 nghìn tấn là rất lớn, do không có quy hoạch, không kết nối trong tổng thể chung. Ngay thời điểm doanh nghiệp và nông dân cùng thả nuôi và thu hoạch đồng loạt, nhưng khi gặp lúc giá cá nguyên liệu giảm thì tất nhiên doanh nghiệp phải ưu tiên vùng nuôi của mình.
Phó Chủ tịch VASEP Dương Ngọc Minh cho rằng, tình trạng giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh như hiện nay là hậu quả của sự phát triển quá nhanh cả trong khâu nuôi và chế biến trong thời gian qua. Nếu như trước năm 2008, toàn vùng ÐBSCL có chưa tới 30 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, nhưng sau đó các địa phương ùn ùn xây nhà máy, mở rộng diện tích nuôi... vượt tầm quản lý của ngành chức năng. Thực tế cho thấy, nếu giá cá nguyên liệu từ 27.000 đến 28.000 đồng/kg, doanh nghiệp chế biến bán ra giá 3,1 USD/kg là đã lỗ rồi. Vậy mà những năm qua các ngân hàng vẫn tiếp tục "bơm" vốn cho doanh nghiệp xây nhà máy, đến khi siết chặt tín dụng, mới dẫn đến tình trạng "bi đát" như hiện nay. Ông Dương Ngọc Minh cho biết thêm, VASEP đã đề nghị với Chính phủ gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để gỡ khó cho người nuôi và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để phát triển ổn định, nhất thiết phải có giá sàn nguyên liệu và xuất khẩu, tìm cách đưa ngành cá tra thành ngành sản xuất có "điều kiện"...
Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Huỳnh Minh Ðoàn cho rằng, các ngành chức năng hình như chưa dám nhìn thẳng vấn đề, cứ giải quyết vấn đề theo kiểu tình thế. Tại sao cứ mỗi lần hội chợ là mỗi lần giá cá giảm; hiện tượng các doanh nghiệp tranh bán, tình trạng cầu ít - cung nhiều đang là thực tế. Ðể giải quyết tình thế trên, ngân hàng cần "bơm" vốn cho các doanh nghiệp mua cá nhưng phải theo tỷ lệ, diện tích, sản lượng cá của từng địa phương.
Phát biểu ý kiến tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng NN và PTNT Cao Ðức Phát cho biết, Thống đốc NHNN Việt Nam vừa có quyết định xem xét cơ cấu nợ, giãn nợ, gia hạn nợ và cho vay thêm đối với các doanh nghiệp khó khăn về vốn, nhưng có khả năng phát triển. Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng vừa có công văn gửi Chính phủ, đề xuất gói tín dụng 9.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người nuôi cá tra. Về lâu dài, phải tổ chức lại ngành cá tra trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh vùng sông nước ÐBSCL. Làm sao khai thác hiệu quả, giúp nông dân ÐBSCL thật sự khá lên từ thế mạnh của việc chăn nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra. Bộ trưởng Cao Ðức Phát đề nghị các hội, hiệp hội, các ngành liên quan cần quyết liệt hơn trong việc hạn chế tình trạng bán phá giá giữa các doanh nghiệp nhằm giữ ổn định uy tín thương hiệu cá tra Việt Nam; nỗ lực bảo vệ và phát triển thị trường xuất khẩu cá tra; thường xuyên thông tin cho người tiêu dùng ở nước ngoài về tình hình sản xuất và chế biến cá tra Việt Nam qua kênh xúc tiến thương mại. Bộ NN và PTNT sẽ nghiên cứu và đề xuất Chính phủ đưa ra các giải pháp thích hợp để tháo gỡ khó khăn hiện nay của nghề nuôi trồng và chế biến cá tra.
Ðối với các tỉnh vùng ÐBSCL, Bộ trưởng Cao Ðức Phát đề nghị các tỉnh cần chỉ đạo các ngân hàng nhanh chóng triển khai thực hiện việc hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua cá nguyên liệu để người nuôi có điều kiện tái sản xuất; hướng dẫn, quản lý người nuôi theo quy hoạch của địa phương; kiểm tra chặt chẽ tình hình sản xuất giống, sản xuất thức ăn, đặc biệt cần nghiêm khắc đối với những chất cấm.