Tình trạng sử dụng kháng sinh không đúng cách trong thủy sản hiện nay
Đa số bà con nuôi tôm hiện nay chẩn đoán và điều trị chỉ dựa vào những thay đổi của tôm mà có thể quan sát bằng mắt thường, trường hợp này gây ra sự thiếu thông tin đầy đủ về tình trạng và vi khuẩn gây ra bệnh.
Từ đó, bà con sử dụng kháng sinh bữa bãi, không đúng liều hoặc dùng liều quá cao gây ngộ độc cho tôm, ảnh hưởng đến khả năng chống chịu bệnh. Nhưng ngược lại, dùng liều quá thấp cũng sẽ thất bại trong điều trị và dẫn đến vi khuẩn kháng thuốc.
Các loại kháng sinh thông dụng được dùng để trị các bệnh nhiễm khuẩn trong nuôi trồng thủy sản gồm: Nhóm sulfonamid, nhóm tetracycline, nhóm Quynolone, Erythromycin. Sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn trên động vật thủy sản, đặc biệt là đề kháng với nhóm β-lactam là nghiêm trọng. Việc gia tăng kháng kháng sinh của vi khuẩn đã được chứng minh là có nguyên nhân từ việc sử dụng kháng sinh không đúng cách.
Thay thế kháng sinh sẽ đem lại điều gì?
Hiện nay trên thị trường, rất nhiều loại kháng sinh cấm, không rõ nguồn gốc được bày bán. Với việc mật độ nuôi ngày càng cao, môi trường ngày càng ô nhiễm, mầm bệnh thì càng lúc càng gia tăng độc lực thì kháng sinh cũng bị lạm dụng nhiều hơn.
Kháng sinh được xem như một chất kích thích tăng trưởng trong suốt quá trình nuôi, được trộn vào thức ăn cho vật nuôi mỗi ngày. Vấn đề là ý thức của người nuôi còn hạn chế hoặc dù biết rõ nguy hiểm nhưng vẫn lạm dụng.
Tôm được xem là loài vật nuôi bị lạm dụng kháng sinh nhiều nhất
Các hậu quả từ việc lạm dụng kháng sinh như:
- Lạm dụng kháng sinh để phòng ngừa bệnh khiến tôm chậm lớn, hệ vi khuẩn đường ruột kém làm tăng hệ số FCR (hệ số thức ăn) làm tăng giá thành sản xuất tôm, gây thiệt hại kinh tế.
- Lạm dụng kháng sinh ảnh hưởng đến đầu ra của tôm vì các quy định xuất khẩu tôm chất lượng cao, yêu cầu tôm phải sạch và không mang dư lượng kháng sinh. Khiến giá cả giảm, thương lái ép giá, người nuôi không còn lợi nhuận cao.
- Lạm dụng kháng sinh còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, gây ra các bệnh lý nguy hiểm khi ăn phải tôm có tồn dư lượng kháng sinh cao. Một số loại kháng sinh cấm có khả năng gây ung thư, mù mắt vĩnh viễn và nặng hơn là có thể dẫn đến tử vong khi trong cơ thể có lượng tích lũy cao.
Đưa men vi sinh vào nuôi trồng thủy sản để hạn chế lạm dụng kháng sinh
Men vi sinh gồm hai thành phần chính là vi khuẩn có lợi và các chất dinh dưỡng nuôi vi khuẩn. Vi khuẩn có lợi được phân lập từ nhiều nguồn khác nhau như Bacillus. sp, Lactobacillus,… Các chất dinh dưỡng là các loại như đường, muối, muối magie,…
Men vi sinh được ứng dụng vào nuôi tôm mang lại nhiều lợi ích
Men vi sinh có 2 dạng, dạng nước và dạng bột (dạng viên) và chúng thường có 2 loại, loại dùng xử lý môi trường (loài vi khuẩn chính là Bacillus. sp) và loại trộn vào thức ăn (loại vi khuẩn chính là Lactobacillus).
Một số chủng men vi sinh được đưa vào các sản phẩm vi sinh trong nuôi trồng thủy sản, bao gồm Lactobacillus, Bacillus, khuẩn acid lactic, vi khuẩn quang hợp, Nitrosobacteria,… Các sản phẩm đã được nghiên cứu và chứng nhận là có lợi trong ao nuôi, không gây độc hại. Nếu sử dụng đúng cách theo định kỳ sẽ nâng cao tỷ lệ thành công của vụ nuôi.
Men vi sinh Probiotic thay thế kháng sinh
Probiotics là sự bổ sung một loại thức ăn vi sinh vật sống mà có tác dụng có lợi cho vật chủ qua việc cải tiến sự cân bằng vi sinh hệ trong đường ruột của vật chủ. Mục đích của việc áp dụng probiotics là nhằm để thiết lập lại mối quan hệ giữa các vi sinh vật có lợi và cơ hội cấu thành hệ vi sinh vật trong đường ruột.
Probiotics giúp quản lý chất lượng nước và đáy ao nuôi tôm
Vi sinh vật hữu ích (Probiotic) có tác dụng phòng bệnh cho tôm cá, làm sạch đáy ao, xử lý nước ao, giúp tăng cường hiệu quả nuôi trồng, giảm chi phí thuốc điều trị bệnh và đồng thời cải thiện được môi trường sống cho vật nuôi.
Probiotics giúp cải thiện tiêu hóa
Dạng men vi sinh đường ruột sẽ biến đổi hệ vi sinh vật hiện có của vật nuôi, cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn và hỗ trợ tiêu hóa. Ở đây chúng sẽ cạnh tranh thức ăn và vị trí bám với các vi khuẩn có hại ở thành ruột, tăng sinh. Sau đó sẽ tiết acid lactic ức chế vi khuẩn trong môi trường pH thấp. Ngoài ra các chủng vi sinh vật có lợi này còn tổng hợp các vitamin nhóm B, K góp phần hỗ trợ tiêu hóa.
Với phương pháp sinh học, chúng sẽ tiết các chất dạng kháng sinh tự nhiên có khả năng ức chế hoạt động của các vi khuẩn có hại. Có thể kể đến như lactoferrin với bản chất là một protein kháng khuẩn, lysozyme là một enzyme tiêu hóa có khả năng tiêu hủy thành tế bào của vi khuẩn gây bệnh và bacteriocins là chất kháng khuẩn hữu hiệu được sinh ra bởi vi khuẩn lactic.
Bên cạnh đó, một tính năng vượt trội khi vào đường ruột của các vi khuẩn có lợi này là kích hoạt hệ thống miễn dịch để phòng bệnh từ xa cho vật nuôi. Tôm cá sẽ xem các vi sinh vật này là mầm bệnh và truyền tín hiệu đồng loạt để các thành phần của hệ thống miễn dịch ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Và khi mầm bệnh thật sự xâm nhập, hệ miễn dịch đã được kích hoạt sẽ hoạt động một cách mạnh mẽ hơn.
Probiotics giúp cạnh tranh và ức chế vi khuẩn
Probiotic giúp tôm phòng và chữa bệnh bằng cách sử dụng vi khuẩn ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
Để hạn chế việc lạm dụng kháng sinh quá nhiều trong nuôi trồng thủy sản, chúng ta có rất nhiều phương pháp thay thế. Nhưng để mang lại hiệu quả có thể nói men vi sinh Probiotics là một trong những lựa chọn hàng đầu. Người nuôi có thể mua men vi sinh ở bất kỳ đại lý hay sàn thương mại nào. Bà con luôn nhớ luôn sử dụng đúng bệnh trên tôm và liều lượng theo nhà sản xuất đề ra nhé!