Loại mô hình “mơ ước” là doanh nghiệp triển khai một chuỗi hoàn chỉnh gây thất vọng lớn nhất.
Ông Trần Văn Phúc - phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định - cho biết do ngư trường xa nên chuyến biển không thể dưới 9 ngày như đề nghị của phía Nhật, dẫn đến số lượng cá ngừ đạt loại A không nhiều, một số thiết bị của Nhật như cần câu và máy kéo câu không phù hợp với tàu của ngư dân Bình Định; chi phí vận chuyển, chi phí khác quá cao, chiếm đến 65-70% giá trị sản phẩm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận xét: “Các mô hình thành công ở ba tỉnh chưa nhiều, chưa lan tỏa, mà phổ quát cả các khâu đánh bắt, thu mua, tiêu thụ thì truyền thống vẫn là nét chính, chủ yếu”.
Ông cũng cho rằng trong lĩnh vực chế biến, các doanh nghiệp chưa nghiên cứu để có sản phẩm đạt chất lượng cao nhất, nâng giá trị cá ngừ.
Thiết chế, hạ tầng phục vụ như cảng, chợ đầu mối, chợ đấu giá, phương thức giao dịch hiện đại còn thiếu quá nhiều hoặc chưa xuất hiện...
“Kết quả cuối cùng là tiềm năng chúng ta lớn nhưng thực tiễn thì còn xa với tiềm năng, chưa nhiều đột phá” - ông Cường nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu Tổng cục Thủy sản “hoàn thiện đầy đủ, khách quan, thực tế, chính xác kết quả hai năm thực hiện chương trình chuỗi cá ngừ”, để từ nay đến cuối năm 2017 hoàn thiện, bổ sung đề án cụ thể của ba tỉnh tham gia thí điểm.
Trong đó cần lưu ý tổng kết sâu các mô hình chuyên biệt chứ không nói mô hình chung chung.
Bộ NN&PTNT cử đoàn kiểm tra tàu vỏ thép
Ngày 20-5, ông Vũ Văn Tám - thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết Bộ NN&PTNT sẽ cử các đoàn đến địa phương xem xét từng con tàu cụ thể để kết luận hư hỏng đó là lỗi do cơ sở đóng tàu, do chủ tàu, do đăng kiểm hay do ngân hàng.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, sắp tới sẽ có hội nghị tổng kết thực hiện nghị định 67, đưa ra kết luận và những giải pháp trong thời gian tới.
“Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì với các bộ ngành và địa phương xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 67 để chính sách nào tốt tiếp tục phát huy, chỗ nào khiếm khuyết phải chỉnh sửa” - ông Tám nói.