Marian Kjellevold, nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng và Hải sản quốc gia Na Uy (NIFES) phát biểu rằng: “Rõ ràng, có thể có một mức độ thỏa đáng của các acid béo có nguồn gốc từ biển trong cơ thể của bạn mà không ăn cá. Chúng tôi không hiểu lý do tại sao”.
Không ăn cá và hải sản nhưng trong máu vẫn có các acid béo có nguồn gốc từ biển?
Các nhà khoa học Na Uy đã kiểm tra 300 trẻ em và phụ nữ đang cho con bú ở Bhaktapur - Nepal. Họ đã phát hiện thấy có mức cao các acid béo omega-3 biển DHA và EPA ở cả mẹ lẫn con. Phát hiện này rất đáng ngạc nhiên vì Bhaktapur cách biển gần 1.000 km, và vì chế độ ăn uống của phụ nữ và trẻ em đã nghiên cứu hầu như không chứa bất kỳ loại cá hay hải sản nào.
Ở Na Uy và Châu Âu, cá và hải sản là nguồn cung cấp omega-3 quan trọng nhất, và do đó các nhà khoa học hy vọng sẽ tìm thấy các mức acid béo này hoàn toàn khác ở những người không ăn cá.
“Thật là rất ngạc nhiên. Chúng tôi đã nghĩ rằng vì những người Nepal không có cá như một nguồn cung cấp omega-3 nên hàm lượng các acid béo DHA và EPA có nguồn gốc từ biển sẽ thấp. Nhưng trường hợp này thì không”, nhà khoa học Sigrun Henjum đến từ Đại học Khoa học Ứng dụng Oslo và Akershus (HiOA) cho biết.
Các acid béo biển quyết định sinh trưởng và phát triển
Các acid béo omega-3 rất quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của não. Ở Na Uy và các nơi khác ở Châu Âu, có mối liên hệ rõ ràng đã được xác định giữa lượng cá và hải sản mà người ta ăn vào với hàm lượng các acid béo trong cơ thể họ. Các nhà khoa học không có câu trả lời rõ ràng về lý do tại sao mối liên hệ này không được tìm thấy ở Nepal.
Các nhà khoa học tin rằng dầu ăn có thể là nguồn gốc của các acid béo có lợi, vì hơn một nửa lượng chất béo mà các bà mẹ tiêu thụ xuất phát từ loại dầu này. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu vấn đề này cẩn thận hơn, người ta phát hiện ra rằng dầu ăn có rất ít omega-3 từ thực vật nên không thể là nguồn cung cấp các acid béo có lợi.
Thích nghi có tính di truyền đối với tiêu thụ ít hải sản?
Một phần của lời giải thích có thể là các bà mẹ và trẻ em trong nghiên cứu cũng tiêu thụ một ít omega-6, giúp cải thiện sự chuyển hóa của cơ thể từ acid béo thực vật thành acid béo omega-3. Tuy nhiên, điều đó không giải thích hết các khía cạnh của câu hỏi hóc búa này. Vấn đề trở nên bí ẩn hơn, ngay cả những đứa trẻ chỉ có sữa mẹ là nguồn thức ăn duy nhất cũng có lượng acid béo có nguồn gốc biển trong máu, mặc dù sữa mà chúng tiêu thụ có rất ít các acid béo này.
Henjum nói thêm rằng: “Chúng tôi chỉ có thể suy đoán, nhưng chúng tôi đang tự hỏi liệu có thể có các yếu tố di truyền ở đây hay không. Liệu có thể là người Nepal qua nhiều thế hệ đã tiêu thụ quá ít những thành phần có nguồn gốc từ biển đến nỗi họ đã trở nên thích nghi về di truyền? Điều chắc chắn là, không giống như chúng ta, trong máu của người Nepal có đầy đủ các acid béo có nguồn gốc từ biển mà không ăn cá và hải sản”.