Đa dạng để bền vững
Ông Nguyễn Văn Mỹ nuôi 1 ha cá cảnh ở thị trấn Tân Trụ (Tân Trụ, Long An) đã thành công trong việc nuôi ghép với tôm sú và tôm càng xanh. Ông kể, con cá cảnh nếu nuôi trong nước mặn hai phần nghìn thì màu sắc rất đẹp. Phát hiện này dẫn ông tới việc nuôi ghép với tôm càng xanh và tôm sú, để tôm ăn chất thải của cá cảnh, vừa sạch ao vừa thêm lợi nhuận.
Sau mấy mùa thử nghiệm cả tôm càng xanh và tôm sú, ông chọn tôm càng xanh vì thời gian sinh trưởng trùng với cá cảnh và tôm càng xanh nuôi trong nước mặn đẻ giống tốt. Ông cho biết, chỉ 1 ha nhưng doanh thu một năm gần 400 triệu đồng, đủ sinh sống và nuôi ba người con tốt nghiệp đại học.
Kết quả kỳ diệu của ông Mỹ cũng chỉ là một điển hình về sự sáng tạo của nông dân ĐBSCL. Nuôi tôm với cá và cả trồng lúa, nông dân ở nhiều nơi đã thành công. Điển hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa ở ĐBSCL là tỉnh Đồng Tháp, từ 20 ha năm 2005, đến nay đã trên 1.200 ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn. Trong đó, huyện Tam Nông giữa vùng rốn lũ chiếm hơn một nửa. Luân canh 1 tôm 1 lúa cho lợi nhuận cao hơn chuyên canh lúa.
Đặc biệt, con tôm càng xanh dễ phát triển trong mùa lũ, góp phần hạn chế việc đắp bờ bao để chuyên canh lúa làm nghèo đất. Hiện nay, một số cơ sở SX giống của tỉnh Đồng Tháp còn có khả năng SX tôm giống toàn đực, dễ nuôi và lớn nhanh, cho tôm thương phẩm đồng đều được giá cao.
Ở tỉnh Sóc Trăng, điển hình của ĐBSCL về luân canh tôm sú và lúa, diện tích hiện xấp xỉ 20.000 ha ven biển. Trong khi chuyên canh tôm gây tồn lưu chất độc hại, khiến dịch bệnh hoành hành, thì luân canh tôm lúa cho lợi nhuận ổn định.
Sóc Trăng phát triển được cây lúa trên đất nuôi tôm nước lợ, cũng nhờ mấy năm qua tạo được giống lúa chất lượng cao chịu mặn tốt. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nói, đây là “mô hình nông nghiệp thông minh”. Nhiều nhà khoa học khẳng định “tôm-lúa tạo cân bằng sinh thái và còn phù hợp với thời kỳ biến đổi khí hậu”.
Ở vùng bán đảo Cà Mau, nông dân đang nuôi xen canh tôm với nhiều loại cá, cua. Từ con cá rô phi đầu tư thấp đến trung bình là cá kèo, và đầu tư cao nhưng hiệu quả kinh tế cũng cao là cá bớp, chẽm, bống mú, chim vây vàng. Những loại cá chất lượng cao, hiệu quả kinh tế không thua tôm sú, mỗi héc-ta lời hàng trăm triệu đồng và nhiều nơi đã bỏ tôm nuôi cá.
Nông dân đơn độc
Một vài doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã tìm đến nguồn nguyên liệu đa dạng do nông dân tạo ra. Ở tỉnh Đồng Tháp, Cty CP Thương mại Thủy sản Á Châu-Acomfish và Cty CP Đầu tư thương mại thủy sản-Incomfich thương thảo với nông dân bàn hợp đồng tiêu thụ. Lúa chất lượng cao trên vùng đất mặn tỉnh Sóc Trăng, có Cty Cổ phần Gentraco ở Cần Thơ đến xây dựng thương hiệu gạo thơm Ngọc Đồng để xuất khẩu.
Nhìn tổng thể, đang thiếu một hệ thống dịch vụ và thương mại đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm của nông dân; từ SX con giống, thú y thủy sản, quy trình canh tác đến tiêu thụ.
Ngay cả “mô hình tôm-lúa” đã được Bộ NN-PTNT tổ chức đến 3 cuộc hội thảo ở tỉnh Sóc Trăng trong ba năm nay, khẳng định cần phát triển nhưng vẫn thiếu các chính sách thúc đẩy cho mạnh mẽ. Người nông dân đầy sáng tạo vẫn còn khá đơn độc trong tiến trình vươn tới hệ thống canh tác bền vững.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp như thế chưa nhiều, thậm chí còn lẻ tẻ. Đa dạng hóa sản phẩm để thoát độc canh trong nông nghiệp, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, đi tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững, mới nổi lên vai trò tự xoay sở của nông dân. Khi tôm sú bị dịch bệnh kéo dài, người nông dân chuyển sang nuôi cá hoặc cua, chuyển đổi rất nhanh và cũng nhanh chóng đạt năng suất cao nhưng không phát triển được vì tắc đầu ra.
Ở tỉnh Bạc Liêu, nuôi cá kèo trong vuông tôm cho lợi nhuận cao chỉ được thời gian ngắn thì cung vượt cầu. Sở NN-PTNT thừa nhận, chưa có đề tài nghiên cứu nào về việc chuyển đổi tôm sang giống thủy sản khác. Ông Nguyễn Văn Hưng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư của tỉnh nói việc nuôi cua, cá hầu hết còn “thử nghiệm”. Vốn đầu tư thường cao, mỗi héc-ta tốn 300-500 triệu đồng, các nhà quản lý lẫn nhà khoa học mới dừng ở khuyến cáo nông dân “quan tâm đến đầu ra”.
Tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2015, diện tích nuôi tôm càng xanh 4.000 ha, sản lượng khoảng 6.000 tấn, nhưng giống chưa rõ sẽ từ đâu. Sở NN-PTNT cho biết, Đồng Tháp có 25 cơ sở SX giống tôm càng xanh, hiện chưa đủ đáp ứng nhu cầu bà con nuôi tập trung vào mùa lũ, nên khoảng 60% hộ nuôi đang phải mua giống “trôi nổi”, hầu hết của Trung Quốc kém chất lượng.
GS Kevin Mochael Fitzsimmon, GĐ Cơ quan Hợp tác nông nghiệp quốc tế, Đại học Arizona (Mỹ), trong chuyến khảo sát vùng chuyên canh tôm ĐBSCL giữa năm nay, cho biết: Nuôi tôm là ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra là tất yếu, cả thế giới đều vậy không riêng VN. Nhiều nước thâm canh cao ở Nam Mỹ và châu Á đã thiệt hại rất nặng. Phải xây dựng lại hệ thống, trong đó có đa dạng sản phẩm, thì mới giảm ô nhiễm, phát triển ổn định.