Tổng sản lượng tôm thế giới có thể đạt 4.44 triệu tấn vào năm 2018
Báo cáo trong năm 2014 đã cho thấy sự sụt giảm đáng kể về sản lượng trong giai đoạn 2012 – 2013 tại Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Mexico là hệ quả của dịch bệnh “Hội chứng tôm chết sớm” (EMS) bắt đầu bùng phát ở Trung quốc vào năm 2009. Giá tôm thế giới tăng trong suốt năm 2013 là tất yếu cho sự sụt giảm về sản lượng kể trên.
Tuy nhiên, các thống kê gần đây nhất của FAO cho thấy sản lượng tôm tại Trung Quốc đã tăng gần 9% trong năm 2012 và ổn định trong năm 2013. Điển hình là Mexico, báo cáo từ FAO cho thấy tăng trưởng 20% trong năm 2013, trong khi đó theo báo cáo của ngành tôm nước này sản lượng đã bị thu hẹp một nửa. Báo cáo của FAO dường như cũng ước tính quá cao sản lượng của Honduras trong suốt hai năm 2013 và 2014.
Trong biểu đồ 1, dữ liệu từ năm 2008-2011 là thống kê của FAO; dữ liệu cho Trung Quốc, Mexico và Honduras từ 2012-2013 là kết quả của cuộc khảo sát GOAL vào năm 2014; dữ liệu cho Trung Quốc và Honduras trong năm 2014 là từ cuộc khảo sát GOAL năm 2015; tất cả các ước tính khác suốt năm 2014 được thực hiện bởi FAO, trong khi đó những ước tính trong giai đoạn 2015 – 2018 là kết quả của khảo sát GOAL 2016. Sự khác biệt dữ liệu thống kê giữa FAO và báo cáo từ ngành tôm các nước có thể được thu hẹp trong tương lai khi chính phủ và FAO xem xét lại những số liệu thống kê sản lượng của họ.
Ngành sản xuất tôm toàn cầu có thể đạt 4.44 triệu tấn trong năm 2018, chặn đứng một cuộc khủng hoảng dịch bệnh mới. Ảnh Darryl Jory.
Theo FAO, sản lượng tôm toàn cầu đạt 4.05 triệu tấn vào năm 2011 và sau đó tăng lên 4.17 triệu tấn trong năm 2012 (tăng 3%), 4.32 triệu tấn trong năm 2013 (tăng 3.6%), và đạt 4.58% trong năm 2014 (tăng 6%). Trái ngược với FAO, cuộc khảo sát GOAL lại cho thấy rằng sản lượng toàn cầu giảm trong năm 2012 xuống mức 3.87 triệu tấn (giảm 4.3%) và tiếp tục giảm xuống còn 3.8 triệu tấn trong năm 2013 (giảm 1,8%), và tổng mức giảm trong giai đoạn 2011-2013 là 6% (biểu đồ 1). Thống kê từ GOAL cũng xác nhận có sự phục hồi mạnh mẽ ở năm 2014 (tăng 10%, đẩy sản lượng lên 4.18 triệu tấn) và theo sau lại là một sự suy giảm trở lại vào năm 2015 (giảm 5.4%) và cuối cùng là dự báo về sự phục hồi trở lại trong giai đoạn 2016-2018 với mức tăng trưởng hàng năm xấp xỉ 3.9%. Sản lượng tôm toàn cầu được kỳ vọng sẽ đạt 4.44 triệu tấn vào năm 2018, trước khi bị chặn lại bởi một cuộc khủng hoảng dịch bệnh mới.
Sản lượng tôm Châu Á
Sản lượng tôm ở khu vực Đông Á tăng trưởng đều đặn cho đến năm 2011, mức tăng trưởng hàng năm trung bình đạt 6% trong giai đoạn 2008 - 2011. Các khảo sát GOAL chỉ ra rằng sản lượng toàn cầu giảm từ 3.45 triệu tấn xuống 3.25 triệu tấn trong năm 2012 (giảm 5.8%) và xuống mức 3.21 triệu tấn trong năm 2013 (giảm 1.1%) do tác động của dịch EMS tại Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia (biểu đồ 2). Sản lượng tăng đáng kể trong năm 2014 lên mức 3.49 triệu tấn (tăng 8.5%) chủ yếu là do thu hoạch thực tế vượt báo cáo tại Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ.
Biểu đồ 2: Sản lượng tôm một số quốc gia Châu Á, Nguồn: FAO (2011-2014) và khảo sát GOAL (2012-2018).
Mặc dù phục hồi ấn tượng, nhưng những phản hồi trong cuộc khảo sát GOAL lại cho thấy ước tính về sự suy giảm sản lượng trở lại tại Châu Á trong năm 2015 do sự suy giảm tại Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia.
Thái Lan dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm 14.5% giai đoạn 2015-2018 với sản lượng đạt 370 nghìn tấn trong năm 2018, nhưng con số này vẫn chỉ đạt 60% mức sản lượng của năm 2012, trước thời điểm bùng phát EMS. Cho đến năm 2014, Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ đã vượt Thái Lan – nước có sản lượng tôm lớn thứ 2 Châu Á; xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục đến năm 2018 khi tốc độ tăng trưởng trung bình của các quốc gia này ước đạt từ 4-7% mỗi năm.
Một sự phục hồi không ổn định được kỳ vọng tại Trung Quốc: Trong khi sự đen đủi đã tới trong năm 2013 với sản lượng chỉ đạt 1.27 triệu tấn, năm 2014 sản lượng đã tăng lên 1.48 triệu tấn nhờ sự gia tăng sản lượng của các vùng nuôi tôm phía Bắc.
Tuy nhiên, sản lượng một lần nữa lại giảm (xuống mức 1.4 triệu tấn) trong năm 2015 do dịch bệnh và thời tiết cực đoan. Sự phục hồi sẽ trở lại từ nay đến 2018 nhưng tương đối yếu, ước tính mức tăng trường trung bình hàng năm không quá 1%.
Nhìn chung, ngành công nghiệp tôm Châu Á vẫn đang trên con đường phục hồi trở lại sau khoảng thời gian suy giảm lớn từ 2012 -2013 bởi EMS. Sản lượng có thể đạt 3.65 triệu tấn vào năm 2018, chủ yếu nhờ sự tăng trường đến từ các quốc gia Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, và Ấn Độ. Trung Quốc vẫn sẽ là nhà sản xuất lớn nhất Châu Lục, nhưng đóng góp vào sự tăng trưởng của khu vực là rất khiêm tốn. Tất nhiên, những ước tính này dựa trên giả định sẽ không có dịch bệnh lớn nào bùng nổ trong những năm tiếp theo.
Sản lượng tôm Mỹ La-Tinh
Biểu đồ 3, đã đưa ra ước tính cho những quốc gia có sản lượng cao nhất ở Mỹ Latinh. Bên cạnh các nước Châu Á, Mexico cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng EMS trong năm 2013: Phản hồi từ cuộc khảo sát cho biết sự sụt giảm 48% về sản lượng trong năm này, theo đó sản lượng 100 nghìn tấn trong năm 2012 giảm xuống còn 52 nghìn tấn vào năm 2013. Có sự phục hồi đáng kể trong năm 2014 và 2015, tiệm cận với mức trước khủng hoảng. Tăng trưởng sẽ tiếp tục ổn định hơn đến 2018 (khoảng 3% mỗi năm), với sản lượng ước đạt gần 110 nghìn tấn, Tuy nhiên vẫn nhỏ hơn khá nhiều với con số 130 nghìn tấn vào năm 2008.
Biểu đồ 3: Sản lượng tôm một số nước Mỹ Latinh. Nguồn: FAO (2011-2014) và khảo sát GOAL (2012-2018).
Hầu hết sự tăng trưởng của khu vực sẽ đến từ Ecuador, nơi mà sản lượng ước đạt 385 nghìn tấn vào năm 2018. Ecuador với mục tiêu tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường Châu Âu và Châu Á khi các quốc gia xuất khẩu của Châu Á đang trên đà xuống dốc. Brazil và Venezuela cũng kỳ vọng sẽ tăng sản lượng vào năm 2018 tương ứng với mức 81 và 30 nghìn tấn.
Dù khu vực này được kỳ vọng tăng sản lượng lên 646 nghìn tấn vào năm 2015 và 711 nghìn tấn vào năm 2018, nhưng chỉ có 4 quốc gia đóng góp cho sự tăng trưởng đó là: Ecuador, Brazil, Mexico và Venezuela. Sản lượng của các nước còn lại trong khu vực trong thực tế được dự báo sẽ giảm từ 109 nghìn tấn xuống 105 nghìn tấn trong giai đoạn 2015 - 2018. Nguyên nhân cho sự suy giản rất đa dạng, từ những ảnh hưởng của dịch bệnh, đến sự suy giảm diện tích canh tác.
Xu hướng sản phẩm chế biến
Cuộc khảo sát GOAL cũng thu thập những thông tin về xu hướng phát triển về kích cỡ và hình thức sản phẩm. Một xu hướng rất đáng chú ý ở Châu Á gần đây là sự gia tăng của tôm sơ chế so với danh mục sản phẩm khác như tẩm bột và nấu sẵn.
Theo cuộc điều tra năm 2008, tôm còn đầu và bỏ đầu chỉ chiếm 25% sản lượng, nhưng số liệu của cuộc điều tra gần nhất đã là 42%. Những thay đổi này cho thấy tầm quan trọng của việc tăng trưởng thị trường nội địa của Trung Quốc, nơi mà sơ chế được ưa chuộng hơn các hình thức chế biến khác.
Ảnh: Darryl Jory
Sản lượng tại Mỹ Latinh sẽ tiếp tục hướng tới sản phẩm tôm tươi. Tôm còn đầu đã có thị phần vượt tôm bỏ đầu, nó chiếm thị phần 56% sản lượng trong năm 2015, tăng từ 40% trong năm 2007. Sự tăng trưởng xuất khẩu của Ecuador vào Châu Âu và cũng chính là yếu tố giúp thúc đẩy xu hướng này.
Phản hồi khảo sát ở Châu Á đã cho thấy sự chuyển dịch sang sản xuất tôm cỡ nhỏ hơn (cỡ 51 - 60 và nhỏ hơn) kể từ năm 2011. Tỷ trọng tôm cỡ nhỏ tăng từ 27% lên 42% trong giai đoạn từ 2010-2015. Việc chuyển sang sản xuất tôm cỡ nhỏ dường như được thúc đẩy bởi sự thu hẹp biên độ giá giữa tôm cỡ nhỏ và tôm cỡ lớn. Hơn nữa, việc thu hoạch sớm do EMS cũng có thể giải thích cho xu hướng này.
Tác động từ dịch bệnh
“Dịch bệnh” một lần nữa theo các phản hồi khảo sát từ Châu Á, được coi như là thách thức lớn nhất phải đối mặt của ngành công nghiệp nuôi tôm tại đây. Các vấn đề khác như: “chất lượng và tính sẵn có của nguồn giống”, “chi phí thức ăn” và “sự tiếp cận được với tôm bố mẹ sạch bệnh” lần lượt được xếp hạng quan tâm ở các vị trí thứ hai, thứ ba và thứ tư.
Tại các nước Mỹ Latinh “dịch bệnh” cũng luôn được coi là một trong 3 vấn đề ảnh hưởng nhất đến ngành tôm tại đây. Trong năm 2016, “chi phí thức ăn” và giá thị trường là hai yếu tố được người nuôi tôm ở đây quan tâm nhất.
Nhận thức về “dịch bệnh” đã thực sự được thay đổi trong 9 năm qua. Trong khảo sát năm 2007 “dịch bệnh” đã không được xếp vào top 3 thách thức hàng đầu phải đối mặt ở Châu Á và Mỹ Latinh. Người nuôi tôm ở hai khu vực này quan tâm hơn đến các vấn đề chi phí thức ăn, giá thị trường và các rào cản thương mại. Vấn đề “dịch bệnh” chỉ thực sự được chú trọng hàng đầu trong những năm gần đây, đặc biệt ở Châu Á khi cuộc khủng hoảng bệnh EMS diễn ra.
Hầu hết các phản hồi khảo sát từ Châu Á và Mỹ Latinh kỳ vọng các điều kiện kinh tế toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục ổn định và thúc đẩy ngành công nghiệp nuôi tôm toàn cầu. Mặc dù vậy áp lực tăng giá thức ăn vẫn sẽ tiếp diễn vào năm 2017.
Note: Để tải bản tóm tắt khảo sát GOAL 2016 của tiến sỹ Anderson, vui lòng truy cập vào đường dẫn sau: https://drive.google.com/open?id=0BwXxlyY9085vdFBvZzk4dThWUEk]