Xả thải nhiều, nhưng không thu phí
Theo Nghị định 154, các cơ sở NTTS nằm trong danh mục các đối tượng phát sinh nước thải công nghiệp, phải chịu phí bảo vệ môi trường (BVMT) về nước thải với mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm đối với các cơ sở có lượng nước thải dưới 20m3/ngày đêm. Riêng các cơ sở phát sinh tổng lượng nước thải trên 20m3/ngày đêm; phí môi trường không chỉ căn cứ vào tổng lượng nước thải ra, mà còn dựa vào hàm lượng chất ô nhiễm có trong nước thải.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, hầu hết các cơ sở NTTS trên địa bàn tỉnh đều chưa được các địa phương đưa vào danh mục phải nộp phí BVMT đối với nước thải. Như huyện Lý Sơn, dù có nhiều diện tích nuôi cá lồng bè trên biển, nhưng tại báo cáo rà soát, thống kê danh sách các đối tượng phải nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp năm 2020, huyện không đưa các cơ sở NTTS vào danh sách.
Tại huyện Mộ Đức, dù có hàng chục hecta nuôi tôm và ốc hương, nhiều chủ cơ sở có diện tích nuôi trồng lên đến cả hecta, nhưng trong danh sách các đối tượng nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn huyện, chỉ có một cơ sở NTTS là Khu nuôi tôm công nghiệp trên cát của Công ty TNHH MTV SX TM&DV Quảng Ngãi. Còn TP.Quảng Ngãi cũng chỉ đưa vào danh mục các cơ sở sơ chế, chế biến hải sản, chứ không có cơ sở NTTS.
Trong khi đó, nhẩm tính về lượng nước thải thải ra từ hoạt động nuôi tôm, ông Trần Thanh Hùng, một hộ nuôi tôm ven sông Kinh, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), cho biết: “Hồ 1.600m2, trong tháng đầu thả nuôi, sẽ thải ra từ 20 - 30m3 nước mỗi ngày, bước sang tháng thứ 2, lượng nước thải sẽ tăng lên 50m3 mỗi ngày. Còn nửa tháng cuối, lượng nước thải mỗi ngày sẽ là 60m3. Đó là chưa kể sau khi hoàn thành thời gian thả nuôi 2,5 tháng, chúng tôi sẽ xả toàn bộ 2.500m3 nước từ hồ ra môi trường”.
Khó khăn trong quản lý, kiểm soát
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) Cao Văn Cảnh, thu phí BVMT đối với nước thải, nhằm giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm BVMT đối với các tổ chức, cá nhân. Mặt khác, thông qua việc thu phí, sẽ có thêm nguồn thu cho hoạt động BVMT. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác thu phí BVMT, nhất là đối với các cơ sở NTTS chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng có rất nhiều cơ sở, dù có lượng nước thải phát sinh lớn, nhưng không nộp phí BVMT về nước thải.
Cũng theo ông Cảnh, theo quy định tại Nghị định 154, dù Sở TN&MT chịu trách nhiệm thu phí BVMT với nước thải công nghiệp, nhưng việc rà soát, thống kê danh sách các đối tượng nộp phí lại thuộc thẩm quyền của địa phương. Hơn nữa, nghị định này cũng chưa quy định cụ thể về việc xử phạt, truy thu đối với các cơ sở không chấp hành đóng phí BVMT về nước thải. Do đó, công tác quản lý, kiểm soát việc nộp phí BVMT đối với nước thải trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, việc thu phí đang dựa trên tinh thần tự nguyện của doanh nghiệp, chủ cơ sở, cá nhân, chứ chưa có chế tài để xử lý đối với các trường hợp chây ỳ không đóng phí.
Không chỉ lỏng lẻo trong thu phí, công tác tổ chức thẩm định, kiểm tra lượng nước thải để thu phí BVMT cũng gặp khó khăn khi ngành TN&MT tại các địa phương thiếu kinh phí, không đủ nhân lực rà soát, kiểm kê... Chủ cơ sở nuôi tôm rộng gần 1hecta trên địa bàn xã Đức Minh (Mộ Đức) N.B.T chia sẻ: “Từ trước đến nay, tôi chưa từng được địa phương phổ biến về việc nộp phí BVMT đối với nước thải, cũng chưa thấy ngành chức năng nào đến đo lường, lấy mẫu nước đi quan trắc, kiểm tra để thu phí nước thải”.
Doanh nghiệp yêu cầu cần sự công bằng trong đóng phí BVMT, Phó Giám đốc Nhà máy chế biến thủy sản Sa Kỳ - Chi nhánh Công ty CP bột cá Thanh Hoa Trịnh Khắc Kim bày tỏ: "Chúng tôi rất ý thức trong việc BVMT, nên không chỉ tuân thủ đóng phí BVMT theo từng quý, với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi quý, mà còn tự thuê đơn vị chuyên môn về quan trắc, kiểm định chất lượng nước thải. Do đó, chúng tôi mong muốn ngành TN&MT tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh nước thải đều tuân thủ việc đóng phí BVMT, nhằm tạo sự bình đẳng, công bằng, cùng chung tay bảo vệ môi trường"